Trong khuôn khổ của Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2022, sáng nay (17/12), chương trình Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo giải thưởng VinFuture đã long trọng được tổ chức. Đến tham dự sự kiện là hàng loạt những nhà khoa học nổi tiếng, đã có nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ.
Bên cạnh những chia sẻ mang tính học thuật, nhiều câu chuyện thú vị bên lề của các nhà khoa học cũng khiến mọi người thích thú. Trong số đó, chia sẻ của 3 vị nữ giáo sư là Giáo sư Jennifer Tour Chayes, Giáo sư Monica Alonso Cotta và Giáo sư Nguyễn Thục Quyên về vấn đề đúng hay không việc phụ nữ học quá giỏi sẽ... khó lấy chồng đã nhận được sự quan tâm đông đảo khán giả trong hội trường.
Phụ nữ học quá giỏi sẽ... khó lấy chồng?
Cụ thể, khi nhận được câu hỏi từ phóng viên rằng: "Có những bà mẹ Việt Nam nói với con gái của họ rằng không cần học giỏi hay học lên cao làm gì, bởi học giỏi quá thì rất khó lấy chồng. Các Giáo sư nghĩ sao về vấn đề này? Và theo các Giáo sư, nam giới cần làm gì để giúp cộng đồng nhà khoa học nữ phát triển?", cả 3 nhà khoa học nữ đã ngay lập tức đưa ra những quan điểm về vấn đề này. Dù mỗi người một câu trả lời nhưng tựu chung lại, họ đều coi đó là quan điểm chưa thực sự đúng đắn và cần được nhìn nhận lại.
Cả 3 nhà khoa học là Giáo sư Nguyễn Thục Quyên (ngoài cùng bên trái), Giáo sư Jennifer Tour Chayes (tóc đen ngồi giữa), Giáo sư Monica Alonso Cotta (ngoài cùng bên phải) đều coi đó là quan điểm chưa thực sự đúng đắn và cần được nhìn nhận lại
Trước tiên, Giáo sư Jennifer Tour Chayes (Phó trưởng Khoa Máy tính, Khoa học Dữ liệu và Xã hội, Trưởng khoa Thông tin của trường Đại học California, đồng thời cũng là Giáo sư của 4 khoa: Kỹ thuật điện và Khoa học Máy tính, Thông tin, Toán học và Thống kê tại trường UC Berkerly) chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng các cô bạn gái hãy tìm cho mình những người đàn ông tôn trọng bạn đời của mình. Ngoài kia chúng ta có vô vàn lựa chọn. Gì thì gì chứ cuộc sống của những người phụ nữ thông minh và bản lĩnh thú vị lắm. Nếu các bạn vẫn hồ nghi về điều tôi nói thì hãy thử hỏi chồng tôi.
Xã hội ngày nay là một xã hội công bằng và mọi người đang nhìn phụ nữ với một ánh mắt tôn trọng hơn rất nhiều. Vậy nên, đừng có áp đặt định kiến lên một ai cả, việc đầu tiên các bạn gái cần làm là thay đổi quan điểm của chính mình".
Tiếp lời bà Jennifer, Giáo sư Monica Alonso Cotta (Giáo sư chính thức và hiện là Phó Giám đốc của Viện Vật lý Gleb Wataghin tại Đại học Campinas, Brazil) cũng bày tỏ quan điểm của bản thân: "Đây là quan điểm thâm căn cố đề từ thời cụ nội tôi rồi, họ luôn cho rằng con gái sao mà có thể cưới chồng được nếu ngày ngày vùi đầu vào sách vở. Tôi nghĩ điều đó chẳng có gì ảnh hưởng cả bởi quan điểm bây giờ khác nhiều so với quan điểm ngày xưa.
Tôi luôn nói với sinh viên của mình rằng bây giờ sự bình đẳng được đề cao hơn rất nhiều rồi. Quan trọng là chúng ta phải thay đổi để trở nên tốt hơn và khi ta thay đổi, một ngày nào đó ta sẽ đạt được mục tiêu ta mong muốn. Khi ấy, chúng ta sẽ gặp được người đàn ông thông minh và biết cách tôn trọng chúng ta".
Cũng có quan điểm về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên (Giáo sư Khoa Hóa & Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara) chia sẻ, các cô gái hãy nói với bố mẹ của mình rằng là bây giờ không phải 50 năm trước, bây giờ là thế kỷ 21 và mọi thứ đã thay đổi.
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên chia sẻ, các cô gái hãy nói với bố mẹ của mình rằng là bây giờ không phải 50 năm trước
Có thể nói, hiện nay, ngày càng có nhiều phụ nữ thành công trên lĩnh vực NCKH, phát triển công nghệ. So với nam giới, phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn khi dấn thân vào con đường NCKH, bởi họ vừa phải làm tròn vai trò của người "xây tổ ấm”, vừa phải thực hiện sứ mệnh khoa học của mình.
Dù còn nhiều định kiến và rào cản xã hội việc phụ nữ làm khoa học, nhưng vài năm trở lại đây, phụ nữ trong lĩnh vực nghiên cứu về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học... đã ghi nhận được những thành tích đáng kể và có đóng góp cho nền khoa học của thế giới. Vậy nên, chúng ta hãy luôn tạo ra một môi trường thật tốt để phụ nữ có thể tham gia vào NCKH.