Cô Thu ở xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh, nhận bằng đại học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc loại khá của trường Đại học Đồng Tháp hồi tháng 8. Cựu giáo viên ngữ Văn, trường cấp 2 phường 6 (nay là THCS Phạm Hữu Lầu) từng có bằng sư phạm của Viện Đại học Cần Thơ (nay là trường Đại học Cần Thơ) và cử nhân sư phạm tiếng Anh của Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội).
Sinh ra trong gia đình có 9 anh, chị em, cô Thu là một trong bốn người con được học đến đại học. Theo cô Thu, ngày đó gia đình nghèo, lại chiến tranh, "sống được đã là may mắn", nhưng cô luôn khát khao được học. Trường xa nhà gần chục cây số, đường sá không thuận lợi, những ngày mưa, cô vác xe đạp qua những đoạn đường bùn lầy, còn mùa nước lũ phải đi xuồng. "Tôi may mắn được đi học nên luôn trân trọng cơ hội này. Tôi ham học, muốn học lên cao", cô Thu nói.
Tốt nghiệp đại học năm 1973, cô Thu về công tác tại trường Trung học Thủ Khoa Huân – trường dành cho nam sinh lớn nhất ở Vĩnh Long khi ấy, với ý định sẽ quay lại Cần Thơ để học lên cao ngành Ngữ văn. Dù vậy, vì nhiều lý do, cô Thu chưa thực hiện được ý định này mà dạy qua nhiều trường khác nhau ở Vĩnh Long, trước khi về quê dạy ở trường THCS Phạm Hữu Lầu, thành phố Cao Lãnh đến khi nghỉ hưu năm 2007.
Cô Huỳnh Thị Thu trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Đồng Tháp hồi tháng 8. Ảnh: Trần Thanh Tâm
Năm 1993, khi đang là phó hiệu trưởng, cô Thu quyết định đăng ký ngành sư phạm tiếng Anh hệ chuyên tu của Đại học Ngoại ngữ Hà Nội học tại Đồng Tháp, sau một lần tình cờ đi nộp hồ sơ cho người cháu. "Năm đó tôi 42 tuổi. Tính trở lại Cần Thơ học Ngữ Văn nhưng quá xa, tôi lại khát khao đi học nên chọn sư phạm tiếng Anh dù trái ngành", cô Thu nhớ lại.
Thời trung học, cô Thu được học tiếng Pháp, sau đó học ngoại ngữ hai là tiếng Anh nên khi đi học trở lại, cô không gặp nhiều trở ngại. Vì học cùng người cháu nên mỗi khi bận việc trường lớp, cô lại nhờ chép bài và giảng lại giúp. Đồng nghiệp ở trường cũng hỗ trợ để cô theo đuổi việc học.
Sau khi nghỉ hưu, bố mẹ lần lượt qua đời, cô Thu cảm thấy hụt hẫng, cô đơn. Cô không lập gia đình, cả cuộc đời gắn bó với nghề dạy học nên khi về hưu, cô luôn nhớ không khí trường lớp và học trò.
Trường Đại học Đồng Tháp cách nhà cô Thu chưa tới 1 km. Một lần đi tập thể dục buổi sáng ngang qua cổng trường, thấy thông báo chiêu sinh ngành tiếng Trung hệ vừa học vừa làm, cô vào hỏi và nộp đơn xin học. Năm 2018, trở lại giảng đường ở tuổi 66, cô Thu háo hức sắm một cuốn từ điển tiếng Trung bản mới nhất. Hôm đầu tiên đến lớp, bà giáo một tay cầm cặp, một tay xách chai nước và cuốn từ điển đựng trong túi nylon.
"Ai cũng nhìn tôi. Mọi người trong lớp xúm lại bảo tôi rằng giờ không ai dùng từ điển giấy nữa mà xài trên điện thoại", cô Thu nói, cho biết sau đó trích hơn ba triệu đồng từ lương hưu nhờ bạn cùng lớp mua điện thoại thông minh và cài đặt giúp. Cả đêm đó, cô thức để học cách dùng.
Thời đi học những năm 1970, cô có thể mượn vở bạn hoặc nhờ bạn chép bài hộ; lần thứ hai học sư phạm tiếng Anh thì sử dụng đài cassette, còn lần thứ ba trở lại giảng đường, mọi thứ đã tân tiến hơn. Cô Thu cho hay khó khăn lớn nhất khi đi học là ứng dụng công nghệ thông tin nhiều, trong khi người già lại không rành điện thoại thông minh hay laptop.
"Tôi đã rất căng thẳng. Việc học bây giờ trao đổi qua Zalo, email", cô Thu nói.
Buổi trưa thay vì về nhà, cô Thu thường ở lại trường, ăn cơm căng tin và nhờ bạn dạy cách dùng các ứng dụng. Dần dần cô biết cách tra từ điển, sau đó dùng Zalo và gửi email cho giảng viên. "Càng khó càng kích thích tôi cố gắng, bằng mọi cách để theo kịp các bạn. Nếu không học đại học chuyến này, chắc tôi chỉ biết trên đời có điện thoại bàn", bà giáo cho hay.
Thời đại học, cô Thu từng học chữ Hán nhưng ngày đó học chữ phồn thể, không phải giản thể như bây giờ. Bỏ qua đã lâu nhưng vẫn nhớ một số mặt chữ, cô tự tìm hiểu, tra cứu để học.
Thầy Trần Thanh Tâm, giảng viên tiếng Trung, trường Đại học Đồng Tháp, chú ý đến một bà lão tóc bạc, dùng kính lúp để học bài từ những ngày đầu. Trong trí nhớ của thầy Tâm, bà lão hay mặc áo bà ba, đội nón lá và đi xe đạp đến lớp. Sinh viên đặc biệt này cũng luôn đi học đúng giờ, ngồi bàn đầu và thường thể hiện tôn sư trọng đạo trong cách xưng hô.
"Tôi bất ngờ và ngưỡng mộ tinh thần học tập của cô Thu", thầy Tâm chia sẻ.
Cô Thu (thứ hai hàng trước từ trái sang) và các bạn học lớp tiếng Trung văn bằng hai tại Đại học Đồng Tháp khi chưa tốt nghiệp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Đồng Tháp
Theo thầy Tâm, người trẻ đi học đã khó, với người lớn tuổi như cô phải cố gắng gấp đến ba lần. Ngoài học trên lớp, về nhà cô Thu còn nhờ bạn kèm thêm. Do lớn tuổi nên mắt cô đã mờ, tay run, viết không nhanh bằng các bạn trẻ nhưng chữ đẹp và chính xác. Học lực ở lớp của cô Thu thuộc loại khá.
Biết cô mắt kém, thầy Tâm đã giảng bài với tốc độ chậm hơn, trình bày bài giảng với kích thước chữ lớn hơn bình thường. Thậm chí, cỡ chữ trong đề thi thường là 13 nhưng thầy phải tăng lên hơn 20 để cô nhìn rõ.
"Cô Thu không chỉ là tấm gương cho các bạn trong lớp mà còn là động lực lên lớp mỗi ngày của chúng tôi. Nhìn vào cô, tôi có thêm tình yêu nghề và cảm thấy vui", thầy Tâm nói.
Về hưu đã lâu nhưng hàng tuần, cô Thu có vài buổi dạy kèm tiếng Việt và tiếng Anh cho các em nhỏ trong xóm. Cô cũng ôn luyện hàng ngày tiếng Trung, chỗ nào quên sẽ lên trường hỏi lại sinh viên. Bà giáo đặt mục tiêu dùng được tiếng Trung và dự định học thêm tiếng Pháp.
"Tôi muốn dùng sự hiểu biết của mình để giúp đỡ con cháu và sống trọn vẹn với ước mơ của mình. Tôi còn sống là còn muốn theo kịp thời đại", cô Thu nói.
Bình Minh