Anh Lê Minh Triết, ngụ TP HCM, là một trong bốn người sinh năm 1987 được công nhận Phó giáo sư năm 2020. Anh vừa đón sinh nhật 33 hồi giữa tháng 12, nhận quyết định bổ nhiệm Phó giáo sư tại trường Đại học Sài Gòn hôm 30/12.
PGS Triết nghiên cứu chuyên ngành Toán giải tích, chuyên ngành hẹp là phương trình đạo hàm riêng, bài toán ngược.
PGS Lê Minh Triết, người trẻ nhất được công nhận chức danh Phó giáo sư năm 2020. Ảnh: Mạnh Tùng.
Ba mẹ đều là giáo viên, Triết từ nhỏ đã mê Toán, thường thích tự đọc sách và giải bài tập. Giống như nhiều đứa trẻ, Triết ham chơi, thích đạp xe dạo phố cùng chúng bạn. Muốn được sớm đi chơi thì phải làm xong bài tập, do đó anh thường tìm cách giải bài toán một cách nhanh nhất.
Khác với nhiều bạn giỏi Toán cùng trang lứa, anh không lựa chọn vào trường chuyên, lớp chọn hoặc tham gia các kỳ thi học sinh giỏi mà chọn cách tự học ở nhà. Anh cũng không tốn nhiều thời gian để làm các bài toán quá khó hoặc tìm nhiều lời giải cho một bài toán bởi quan niệm "chỉ cần tìm ra cách giải là được, nên đơn giản hoá mọi thứ".
Giữ niềm say mê Toán, Triết thi vào ngành Toán, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM). Thành quả sau 4 năm là tấm bằng cử nhân loại giỏi, một bài báo khoa học được đăng tạp chí quốc tế, một bài đăng tạp chí trong nước. Với mong muốn làm nghề giáo như ba mẹ, anh chọn học lên cao.
Năm 2010, ít tháng sau khi tốt nghiệp, anh thi đậu nghiên cứu sinh Đại học Khoa học Tự nhiên và bắt đầu công tác tại Đại học Sài Gòn với vị trí giảng viên. Trong 5 năm học và làm luận án tiến sĩ, anh có thêm 4 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế, trong đó 2 bài đăng trên tạp chí Q1 (tạp chí chiếm vị trí cao nhất về chỉ số trích dẫn IF).
Tốt nghiệp tiến sĩ, anh được bổ nhiệm Trưởng bộ môn Toán giải tích rồi sau đó kiêm nhiệm Phó trưởng khoa Toán - Ứng dụng, Đại học Sài Gòn. Từ đó đến nay, TS Triết có thêm 9 bài báo trên tạp chí quốc tế, phần lớn anh là tác giả chính; biên soạn một số giáo trình và tham gia vào nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ.
PGS Triết quan niệm, nghiên cứu khoa học là một sự đánh dấu những mốc trên con đường tìm tri thức mới. Khi công bố một công trình khoa học tức nhà nghiên cứu đó đã cắm một lá cờ đánh dấu những quãng đường họ đã qua, đã gặt hái được thành quả. "Có người đi được một đoạn ngắn đã cắm cờ đánh dấu, có người thì đi chặng đường dài hơn, đủ độ xa mới cắm cờ. Đó là tuỳ lựa chọn con đường nghiên cứu của mỗi người", PGS Triết chia sẻ.
Anh tự nhận, con số 14 bài báo khoa học sau 10 năm đi dạy chỉ ở mức bình thường như nhiều giảng viên khác. Nhưng anh không sốt ruột số lượng mà chú trọng vào chất lượng của từng sản phẩm nghiên cứu, khi nào tích luỹ hàm lượng khoa học đủ anh mới cho công bố.
Vinh dự khi được công nhận Phó giáo sư nhưng TS Triết quan niệm khá đơn giản về học hàm (Giáo sư, Phó giáo sư). "Đó đơn thuần là một vị trí nghề nghiệp của người làm giảng dạy và nghiên cứu, là sự ghi nhận thành quả đóng góp với khoa học. Khi đi dạy, được gọi là thầy là một sự đánh giá cao quý nhất rồi", anh nói.
Sắp tới, PGS Triết dự tính vẫn theo hướng nghiên cứu chuyên ngành giải tích, đồng thời có tính đến mở rộng chuyên ngành khác, sau những kiến thức mới góp nhặt trong quá trình đi dạy.
Ngày 6/11, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách 39 ứng viên giáo sư và 300 ứng viên phó giáo sư đạt đủ phiếu tín nhiệm.
3 giáo sư "thế hệ 8X" gồm: Lê Anh Vinh (1983, ngành Toán học, công tác tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam); Nguyễn Đức Toàn (1980, Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội); Lê Anh Tuấn (1980, Cơ khí, Đại học Hàng hải Việt Nam).
Trong số 300 Phó giáo sư, có 4 người sinh năm 1987, ngoài PGS Lê Minh Triết còn có Võ Hoàng Hưng (Khoa Toán - Ứng dụng, Đại học Sài Gòn); Trần Đức Học (Khoa Kỹ thuật xây dựng, Đại học Bách khoa TP HCM); Phạm Chiến Thắng (Khoa Hoá học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Mạnh Tùng