Từ năm 2022, du học sinh ở Phần Lan có thể nộp đơn xin cư trú trong toàn bộ thời gian học đại học, thay vì phải xin cấp mới hàng năm như trước. Họ còn được tăng giờ làm thêm từ 24 lên 30 giờ mỗi tuần, ở lại Phần Lan hai năm sau tốt nghiệp và mang theo người nhà.

Phần Lan cũng áp dụng đơn đăng ký chung với các đại học, mỗi ứng viên được chọn tối đa 6 ngành. Sinh viên quốc tế có thể tham gia kỳ thi của các đại học ứng dụng (kỳ thi UAS) tại nhà bằng hình thức trực tuyến, để nộp đơn.

"Những điều này thật sự hấp dẫn sinh viên quốc tế. Trước đây chúng ta chỉ nói về sự thu hút, nhưng bây giờ chúng ta đang nói về sự thu hút và giữ chân", Hanna Isoranta, tổ trưởng chuyên môn của Study in Finland, nói.

Kết quả là có hơn 7.000 sinh viên mới được cấp phép cư trú, tăng khoảng 54% so với năm 2021, đạt mức kỷ lục trong 6 năm qua. Năm quốc gia có số sinh viên được cấp giấy phép nhiều nhất là Nga, Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ và Việt Nam.

412227874-6669939433128245-419-4471-6338-1703838769.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fzKPhgkvcWKUd4TTX_W3Hg

Khuôn viên Đại học Aalto. Nguồn: Aalto University

Harri Hälvä, cán bộ Cơ quan Giáo dục Phần Lan, cho biết những nỗ lực giới thiệu về cơ hội học tập và cuộc sống của Phần Lan đang bắt đầu mang lại kết quả.

"Phần Lan không chỉ khuyến khích nhiều sinh viên quốc tế đến học tập mà còn chào đón họ ở lại, làm việc và lập gia đình", ông nói.

Nước này đã lập kế hoạch phát triển lĩnh vực nghiên cứu giai đoạn 2024-2030, dự kiến chi 280 triệu euro (khoảng 310 triệu USD) cho lĩnh vực nghiên cứu công nghệ. Tuy nhiên, dân số Phần Lan chỉ khoảng 5,5 triệu người nên chính phủ nước này mong muốn tăng gấp đôi lượng người nhập cư để tìm việc, tăng gấp ba số sinh viên quốc tế và giữ chân được 75% số đó ở lại từ nay đến năm 2030.

Ngoài ra, Phần Lan cũng tập trung tuyển dụng lao động có tay nghề từ bốn quốc gia, gồm Ấn Độ, Philippines, Brazil và Việt Nam.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất với sinh viên quốc tế muốn ở lại làm việc sau tốt nghiệp là ngôn ngữ. Trong khi các công ty lớn sử dụng tiếng Anh, phần lớn dân số lại giao tiếp bằng tiếng Phần Lan, một ngôn ngữ nổi tiếng là khó học.

Phần Lan có 35 đại học, học phí với sinh viên quốc tế dao động 5.000-18.000 euro (135-485 triệu đồng) một năm, tùy ngành học. Các ngành được sinh viên lựa chọn nhiều nhất là Khoa học xã hội, Báo chí và Thông tin, Công nghệ thông tin và Truyền thông.

Doãn Hùng(Theo The Pie News, University World News)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022