Ngày 8/4, tại Hàng Châu, Chiết Giang (Trung Quốc) đã xảy ra một sự việc liên quan đến câu chuyện giáo dục gia đình gây ồn ào trên MXH. Theo đó, một đoạn video ghi lại cảnh một ông bố dắt theo con trai đứng trước đám đông, sau đó tự tát mình khiến dân tình bất ngờ.
Tìm hiểu ngọn nguồn mới biết, người bố xuất hiện trong đoạn clip họ Trương còn con trai của anh năm nay lên 8 tuổi. Anh Trương cho hay lúc ăn cơm, con trai vẫn ngồi cạnh anh. Tuy nhiên, do có việc bận nên anh ra ngoài khoảng 10 phút. Trong 10 phút này, điện thoại của vợ anh liên tục có thông báo tin nhắn trừ tiền, tổng cộng số tiền lên đến 6.400 tệ (khoảng 22 triệu đồng). Đến lúc này anh mới phát hiện hóa ra con trai anh chơi game và lén dùng thẻ của mẹ.
Chỉ trong vòng 10 phút, cậu bé 8 tuổi đã nạp vào game hơn 20 triệu đồng
Sau khi tra hỏi, anh được biết chỉ trong 1 tháng, con trai anh đã nạp vào game này 13.000 tệ (khoảng 45 triệu đồng). Quy chế nạp tiền này là chỉ cần thanh toán một lần thì những lần sau sẽ tự động thanh toán mà không cần mật khẩu.
Trong đoạn clip, có thể nghe thấy rõ những lời anh Trương chia sẻ. Anh nói: “Con hư tại cha. Con trai tôi chơi game 10 phút, nạp mất hơn 6000 tệ. Bản thân tôi làm kinh doanh, tự cảm thấy mình là người đàng hoàng, ngay thẳng. Tôi xin lỗi. Hôm nay tôi tự tát mình 10 cái.
Cho dù tôi kinh doanh có phá sản cũng không sao nhưng tôi không quản được con trai tôi là tôi có lỗi với tất cả mọi người. Tôi thực sự rất buồn”. Nói đoạn, anh thực sự đưa tay tát mình rất mạnh. Thấy vậy, con trai anh vừa khóc vừa ngăn bố mình. Người quay video cũng ra sức khuyên can.
Ông bố vừa tát mình vừa xin lỗi mọi người vì không biết dạy con
Được biết, sau đoạn clip này, anh Trương đã đưa con trai đến đồn cảnh sát để báo án. Tuy nhiên, bên cơ quan công an cho biết phải chờ 10 ngày mới có thể giải quyết. Bên cạnh đó, anh cũng thông báo cho trường học của con trai mình, đồng thời yêu cầu nhà phát hành game đưa ra lời giải thích xác đáng.
Sự việc này nhanh chóng được lan truyền khắp cõi mạng. Netizen cũng chia ra làm nhiều luồng tranh cãi. Một số ủng hộ cách làm của người bố và cho rằng đã đến lúc cần có người đứng lên đấu tranh với các nhà phát hành game, yêu cầu họ siết chặt các chính sách, tránh làm ảnh hưởng đến thế hệ trẻ.
“Thứ mà ông bố này lo lắng không phải tiền mà là tương lai của con mình”, “Nếu không phải nhà phát hành game quản lý lỏng lẻo, chỉ biết nghĩ đến lợi nhuận thì đã không có nhiều trường hợp trẻ vị thành niên lén lấy tiền của gia đình nạp vào game như thế”, “Nghiện game thực sự đáng sợ, tốn tiền bạc, ảnh hưởng sức khỏe, ảnh hưởng học tập”, “Hãy tự hỏi, có bao nhiêu đứa trẻ đã bị hủy hoại vì game rồi? Có bao nhiêu đứa trẻ vốn ngoan ngoãn, thông minh, học giỏi lại trở thành nạn nhân của trò chơi điện tử? Game online đã làm hại biết bao thế hệ con người”..., một số người bình luận.
Tuy nhiên cũng có người cho rằng cách làm của người cha không giải quyết được ngọn nguồn vấn đề, bởi quan trọng nhất ở đây vẫn là vấn đề giáo dục gia đình. Nếu gia đình theo dõi con em sát sao, có những định hướng chỉ bảo rõ ràng ngay từ đầu thì sẽ không bao giờ có chuyện như thế xảy ra. Cha mẹ không nên cấm đoán con chơi game một cách cực đoan, thay vào đó là hướng dẫn con phân chia thời tiết hợp lý và chủ động tham gia lựa chọn những tựa game phù hợp với lứa tuổi của con. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần dạy con về giá trị của đồng tiền, để con biết quý trọng công sức, nỗ lực cha mẹ đã bỏ ra thay vì hoang phí.
Tổng hợp