Nhìn quanh nhân tình thế thái, buồn nhất vẫn là khi nghe chuyện những đứa con bất hiếu . Ở tuổi ngoài 50, đi nhiều, trải nghiệm nhiều, tôi thấy những trường hợp đẩy bố mẹ già vào viện dưỡng lão, lễ tết đón về “trưng”, hay “đá” cha mẹ ra nhà trọ khi đã được chia tài sản… được đề cập trên VTC News mới đây không hề hiếm trên thực tế.
Chuyện ngược đãi, bỏ rơi, hành hạ đấng sinh thành khiến người ta đau xót và giận dữ lên án những tên nghịch tử, nhưng xét sâu xa về nguồn cơn, cha mẹ họ cũng có phần đáng trách. Nhiều người nuông chiều con quá mức, đáp ứng mọi nhu cầu, không buộc con phải tự lập hay chịu trách nhiệm… nên khi trưởng thành, chúng trở nên ích kỷ, dựa dẫm, ỷ lại và không bao giờ biết thương bố mẹ.
Tuổi già của nhiều người trở nên buồn bã, cô đơn vì con cháu bất hiếu. (Ảnh minh họa: Pxhere)
Nhiều bậc cha mẹ thậm chí còn tiếp tục làm hư con suốt nhiều năm tháng sau khi chúng đã qua tuổi trưởng thành từ lâu. Những đứa con này cho đến khi đầu hai thứ tóc vẫn tiếp tục là đứa trẻ hư đốn, vô tích sự và bất hiếu.
Hàng xóm của tôi là một trường hợp như vậy. Ông bà cụ năm nay đều hơn 80 tuổi, nhiều lần khóc tâm sự rằng ước gì ông trời sớm gọi họ đi để đỡ phải đau xót khi chứng kiến những hành vi tệ hại của các con.
Nhà họ từ xưa đã khá giả. Trong khi phần lớn những đứa trẻ khác chỉ có 2 bộ quần áo mặc đi học, đến trường bằng cách lội bộ hoặc sang lắm là cưỡi chiếc xe đạp cọc cạch, bữa cơm nào có vài miếng thịt đã hạnh phúc lắm thì hai cậu quý tử ăn diện thời trang, đi xe đạp ngoại và sau đó là xe máy, và có tiền để đãi bạn bè đủ thứ quà vặt ở cổng trường…
Hai người con này vốn cũng sáng láng, thông minh, nhưng vì sa đà ăn chơi nên học hành chẳng đến đầu đến đũa, nhiều năm không thể tốt nghiệp đại học, cuối cùng đành bỏ dở. Bố mẹ xin cho họ làm công việc nhì nhằng ở chỗ người quen, nhưng cũng là để gọi là “có công ăn việc làm” khi giới thiệu với người ta, còn thực tế họ vẫn ăn bám bố mẹ.
Nhờ sốt đất, hai cụ hàng xóm của tôi sau đó lại giàu thêm nhờ cắt đất bán lấy tiền. Đất nhà họ rất rộng, lâu lâu bán một mảnh là đủ để con cái ăn tiêu không phải nghĩ. Hai quý tử sau khi lấy vợ, sinh con vẫn sống bằng sự chu cấp của bố mẹ.
Một cậu vì nhàn rỗi mà học đòi cá độ bóng đá, mỗi khi thua lại xin bố mẹ tiền trả nợ, và lén lút chơi tiếp. Cậu kia không cờ bạc gì nhưng ăn tiêu như phá mả, hết đòi mua ô tô nọ lại xe máy phân khối lớn kia, chim cảnh, cá cảnh toàn loại hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Khi hai cụ muốn dạy lại các con thì quá muộn, tre đã già không thể uốn nắn. Đến nay, các con họ đều đã ở tuổi U50, đầu hai thứ tóc nhưng vẫn là kẻ ăn bám phụ huynh và tuyệt đối ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến nhu cầu, dục vọng của mình. Những lúc xin tiền bị từ chối, hai người con này thường nổi giận, quát mắng rất hỗn hào, hung hãn.
Cậu con trai cả nghiện cá độ còn nhiều lần đe dọa hành hung bố mẹ. Có lần, vì không chịu giao chìa khóa tủ, bà cụ bị con đẩy ngã. Nghịch tử này mở tủ lấy vàng mang đi bán, mặc kệ mẹ gãy chân nằm đó than khóc, sau đó trở về thấy mẹ bó bột cũng chẳng buồn ăn năn…
Giờ thì hai cụ hàng xóm của tôi đã khánh kiệt, còn mỗi ngôi nhà lớn khiến họ trở thành là mục tiêu tấn công của con cái. Hai đứa con bất hiếu ngày đêm gây sức ép bắt bố mẹ bán nhà, mua một căn hộ chung cư để ở, còn phần lớn số tiền chia cho họ “lập nghiệp”.
Biết rõ nếu bán nhà thì mất hết, hai cụ từ chối, vì thế này nào cũng bị con cái bạo hành tinh thần, hết đay nghiến, mỉa mai đến dọa dẫm. Khi họ ốm, đám con cháu không mua thuốc cho, cũng mặc kệ khi thấy bố mẹ nuốt không nổi thìa cơm.
“Chúng nó bảo chỉ cần bán nhà thì chúng sẽ ngoan ngoãn, hiếu thảo, chăm sóc bố mẹ chu đáo”, bà cụ khóc, bảo vợ chồng cụ trách con thì ít, trách bản thân làm hư con thì nhiều. Sự nuông chiều quá mức không chỉ khiến tuổi già của họ lâm vào bi kịch mà còn làm hỏng cuộc đời hai đứa con trai.
Một gia đình khác mà tôi biết cũng gặp cảnh tương tự, chỉ khác là cụ bà đã mất vì phiền muộn, cụ ông không chịu nổi áp lực từ đứa con trai duy nhất đã chấp nhận bán ngôi biệt thự. Sau khi cầm tiền và mua căn hộ nhỏ để ở, đứa con này tống cha già vào một trại dưỡng lão rẻ tiền nhất, chọn gói dịch vụ tối thiểu.
Có những lúc, gã nghịch tử 53 tuổi này còn “quên” đóng phí, khiến ông cụ phải cầu cứu người quen, họ hàng để không bị đuổi khỏi trại.
Lên án loại nghịch tử đó bao nhiêu cũng không đủ, nhưng thật khó mà khiến cho chúng tỉnh ngộ. Vì thế, các bậc làm cha mẹ hãy nhớ rằng chính sự nuông chiều và hy sinh tạo ra những con bất hiếu. Yêu thương con không phải cách, nhiều người sẽ trở thành nạn nhân của con mình trong những ngày tháng cuối đời.