Đêm 23/7, Nguyễn Mai Anh, lớp 12A1, trường THPT Phạm Văn Nghị, Ý Yên, Nam Định, cùng bố mẹ ngồi trước máy tính, nhập sẵn tên và số báo danh, hồi hộp chờ đến 0h. Khi màn hình hiện lên số điểm, cả gia đình em ngập tràn trong hạnh phúc.
"Em đã rất run. 23h58 bố mẹ em đã giục hỏi điểm. Lúc biết điểm, bố mẹ nhảy lên vui sướng, thông báo cho người thân khắp nơi. Em vui khi mang lại niềm tự hào cho gia đình", Mai Anh chia sẻ.
Mãi tới hơn 3h Mai Anh mới chợp mắt được vì nhận nhiều tin nhắn và cuộc gọi chúc mừng của mọi người. Em dự thi khối D1, đạt 28 điểm, với Toán 8,6; tiếng Anh 9,5 và Văn 10. Mai Anh là một trong năm học sinh đạt điểm 10 môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Em cũng đã có thể giành được điểm 10 môn tiếng Anh nếu như không sửa lại đáp án của ba câu ở những phút cuối cùng.
"Em đã sửa đúng thành sai nên không giành được điểm tuyệt đối. Em rất tiếc", nữ sinh kể.
Nguyễn Mai Anh chụp ảnh kỷ yếu cùng lớp hồi đầu tháng 5. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Với môn Văn, Mai Anh đánh giá câu hỏi ở phần nghị luận xã hội khó và mất nhiều thời gian suy ngẫm nhất. Nữ sinh cho hay lúc đọc đề, em hơi khựng lại bởi câu hỏi lạ, yêu cầu thí sinh nói tới suy ngẫm về trách nhiệm xã hội của thế hệ trẻ đối với đất nước.
Em nêu khái niệm về đất nước, sau đó là trách nhiệm của con người từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành. Trách nhiệm đấy được thể hiện xuyên suốt trong cuộc đời con người, không phải chỉ ở một giai đoạn nào đó. Khi còn trên ghế nhà trường, trách nhiệm của em với đất nước không chỉ là trau dồi trình độ học vấn mà còn rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống để có thể hoàn thiện bản thân.
Trong khi đó, phần nghị luận văn học đưa ra một đoạn văn trích trong bài Chiếc thuyền ngoài xa của tác giả Nguyễn Minh Châu, yêu cầu phân tích, liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong bài với chiếc thuyền giữa phá để rút ra mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Ở phần này, Mai Anh dựa vào kiến thức được dạy trên lớp, những gì đọc được trong sách hoặc tham khảo từ các tài liệu khác để phân tích, chứng minh.
Mai Anh từng gặp bài Con thuyền ngoài xa trong đề thi khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh nhưng lần đó phần bài làm không như ý, chỉ đạt điểm 8. Lần này gặp lại, em rút kinh nghiệm từ những thiếu sót trước. Trong 110 phút, em viết được 11 mặt giấy.
"Em thừa thời gian nhưng không thực sự tự tin ở phần nghị luận xã hội nên chỉ tự chấm 8 điểm. Tuy nhiên, lúc đọc đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, em mới yên tâm và đoán có thể đạt từ 9 điểm trở lên", Mai Anh cho hay.
Cô Bùi Thị Lệ Hằng, giáo viên Văn của lớp 12A1, tin vào khả năng của học trò, hy vọng Mai Anh được điểm tối đa nhưng cũng chưa dám chắc chắn. Hôm 23/7, cô cũng thức đêm đợi điểm và động viên tinh thần học trò.
"Điều kỳ diệu đã xảy ra. Tôi mừng cho Mai Anh và gia đình", cô Hằng chia sẻ.
Mai Anh vốn là học sinh lớp chọn khối Khoa học Tự nhiên của trường THPT Phạm Văn Nghị. Năm lớp 12, cô Hằng được phân công dạy môn văn ở lớp Mai Anh. Phát hiện tố chất ở Mai Anh, cô Hằng từng muốn em vào đội tuyển thi học sinh giỏi môn Văn để ôn luyện. Biết Mai Anh tham gia đội tuyển tiếng Anh từ năm lớp 10, cô Hằng vẫn động viên em học Văn để thuận lợi hơn về điểm số. Nữ sinh từng giành giải ba học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh năm lớp 12.
Theo cô Hằng, trong các kỳ thi môn Văn ở trường, Mai Anh luôn đạt điểm 9 trở lên. Trong 20 năm gắn bó với nghề, cô Hằng từng gặp nhiều lứa học trò xuất sắc môn Văn nhưng đây là lần đầu tiên có học sinh đạt điểm 10.
"Mai Anh có năng khiếu đặc biệt với viết Văn. Em là học sinh đầu tiên thổ lộ với tôi khát vọng giành điểm tuyệt đối môn này. Cuối cùng, em đã làm được", cô Hằng nói.
Cô cho biết thêm, khát vọng lớn và trí tuệ đã giúp Mai Anh tỏa sáng. Em luôn mong ước chinh phục được những câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học với kiến thức cùng vốn hiểu biết sâu rộng. Mai Anh ham đọc, có ý thức bồi dưỡng tâm hồn khi thường xuyên mượn sách của cô về tìm hiểu. Những cuốn sách đã giúp nữ sinh có kỹ năng tư duy, cách viết và dùng từ đắt.
Với Mai Anh, đọc sách là niềm đam mê, đặc biệt sách tâm lý học, triết lý và cuộc sống.
"Em có cái nhìn sâu rộng cùng khả năng phân tích tâm lý nhân vật sâu sắc cũng nhờ đọc sách", nữ sinh cho hay.
Theo Mai Anh, em được các thầy cô đánh giá có khả năng với môn Văn từ những năm tiểu học. Tuy nhiên những năm sau đó, đam mê trong em giảm dần do chương trình không hấp dẫn. Cảm hứng với môn học chỉ thực sự trở lại vào năm lớp 12 khi Mai Anh được giáo viên khơi dậy.
Lúc đầu, em chọn khối A1 với Toán, Lý, tiếng Anh nhưng gần cuối lớp 12, em quyết định chuyển sang khối D1. Trong ba môn, Mai Anh thiếu tự tin nhất ở môn Toán nên dành phần lớn thời gian cho môn này. Từ 20 đến 0h mỗi tối, em giải quyết bài tập trên lớp, sau đó lướt mạng và nghe audio bình giảng về tác phẩm trên YouTube.
Với môn Văn, Mai Anh phần lớn nghe cô giảng, gần thi mới tập trung học tác giả, tác phẩm và tập viết mở bài, kết bài.
"Em chuẩn bị trước mở và kết bài vì phần đó quan trọng. Em muốn tạo ấn tượng với người đọc ngay phần mở bài", nữ sinh nói.
Em dự định ứng tuyển vào Đại học Ngoại thương, ngành Quản trị Kinh doanh hoặc Ngôn ngữ Anh. Năm ngoái, hai ngành này đều lấy trên 28 điểm.
"Với tổng điểm 28 cùng 0,5 điểm ưu tiên, em nghĩ mình có thể đỗ nguyện vọng ở Đại học Ngoại thương hoặc Đại học Thương Mại", Mai Anh cho biết.
Bình Minh