"Thời sinh viên, nên tập trung học tập thay đi làm thêm tích lũy kinh nghiệm?" - là câu hỏi khiến nhiều người trẻ đau đầu trong những năm tháng học Đại học. Tất nhiên, sẽ chẳng dễ dàng để ai đó có được câu trả lời khi câu chuyện cân bằng thời gian giữa làm thêm và đi học đã là vấn đề không có lời giải với nhiều thế hệ sinh viên trong nhiều năm qua.
Đứng trước câu hỏi đó, một nữ sinh ngành Kinh tế đã quyết định ứng tuyển vào Big4 từ năm nhất và thành công trở thành thực tập sinh tại KPMG. Không chỉ vậy, cô nàng còn gây ấn tượng với câu chuyện học cùng lúc 2 chương trình đào tạo cử nhân khác nhau, đó là chuyên ngành Kinh tế tài nguyên thiên nhiên tại Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) và Quản trị Kinh doanh Quốc tế của trường Đại học Anh Quốc (BUV).
Phải nói thêm, trước đó cô nàng thậm chí từng apply học bổng chính phủ Nga và đỗ vào nhiều trường như: Đại học quốc gia Novosibirsk (Novosibirsk State University), trường Kinh tế cao cấp (HSE), Đại học nghiên cứu tổng hợp năng lượng hạt nhân quốc gia (MEPhI), Đại học Bách khoa Sankt-Peterburg, Đại học Kinh tế Quốc dân Plekhanov, Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN University)... Nhân vật đang được nhắc đến là cô nàng Nguyễn Phạm Phương Thảo, sinh năm 2002.
Nguyễn Phạm Phương Thảo (20 tuổi) đang là sinh viên của hai trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Anh Quốc Việt Nam
Bất ngờ đỗ cả 2 trường Đại học và cái kết
Với nhiều người, thi đậu một trường Đại học đã khó, thế mà cô nàng Phương Thảo lại đỗ cả 2 trường là Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) và Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV), với học bổng 50%. Thời điểm đó, Thảo đã không do dự nhiều mà quyết định học song bằng, với chuyên ngành gần như đối lập tại hai trường.
10x chia sẻ thêm: "Mình tự thấy bản thân còn trẻ nên không muốn bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào. Việc đỗ cả NEU và BUV khiến mình bật ra ý tưởng học tập ở hai trường cùng lúc. Lựa chọn này chắc chắn giúp mình có thêm kiến thức, đa dạng hơn về lựa chọn nghề nghiệp sau này".
Phương Thảo chọn học cùng lúc 2 trường Đại học vì không muốn bỏ lỡ cơ hội
Học song bằng vất vả không? Đáp án của Phương Thảo là có, nhưng đáng. Cô nàng cho biết, để học tốt cả hai chương trình đòi hỏi bạn phải biết cân bằng thời gian và cố gắng hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Trong quá trình học tập, bạn nên chấp nhận bản thân sẽ tốn không ít công sức và thời gian để chạy qua chạy lại giữa các trường, tham dự đầy đủ các tiết học.
"Không chỉ áp lực về mặt thời gian, mà mỗi khi kỳ thi đến, khối lượng bài học mình cần phải ôn tập cũng gấp đôi người bình thường. May mắn là lịch thi ở hai trường không trùng nhau nên mình vẫn có thể ôn tập khi kỳ thi cuối kỳ của từng trường đến. Nhìn chung là để hoàn thành trọn vẹn chương trình ở 2 trường là việc khá khó khăn n hưng mình nhận thấy sự cố gắng của bản thân đã được đền đáp với hai học kỳ liên tiếp được khen thưởng là học sinh giỏi", Phương Thảo tâm sự về quá trình học tập đặc biệt.
Dù đang theo đuổi cùng lúc cả hai chương trình cử nhân, song Phương Thảo chưa bao giờ cảm thấy "quá tải" vì biết cách sắp xếp thời gian biểu hợp lý, giữ tinh thần luôn thoải mái.
Cô bạn này không chỉ học giỏi mà còn vô cùng xinh xắn
Về phương pháp riêng để sắp xếp thời gian biểu, nữ sinh cho biết: "Mình dùng một số app làm thời khoá biểu trên điện thoại để ghi chú lại lịch học, nhắc nhở những đầu việc quan trọng mà bản thân phải làm. Mình có một quy tắc riêng khi sắp xếp thời gian là luôn dành ngày thứ bảy và chủ nhật để nghỉ ngơi. Mình sẽ không bao giờ sắp xếp lịch học, lịch làm vào hai ngày cuối tuần đó để đảm bảo bản thân có quỹ thời gian nghỉ ngơi chất lượng".
Nhận đề nghị thực tập tại Big4 từ năm hai
Không những gây ấn tượng bởi câu chuyện học song bằng, Phương Thảo còn khiến nhiều người thấy thú vị khi trở thành đại sứ và nhận đề nghị thực tập tại Big4 khi mới là sinh viên năm 2. Vậy bí quyết của cô nàng này là gì?
Phương Thảo cho biết, từ năm nhất, cô đã ứng tuyển vào vị trí Đại sứ (Ambassador) của một trong 4 công ty Big4 là KPMG. Để thành công trở thành Đại sứ của KPMG, nữ sinh phải trải qua 3 vòng thi, cụ thể như sau:
- Vòng 1: Ứng viên nộp bản CV và thư xin việc (Cover Letter).
- Vòng 2: Ứng viên tiếp tục nộp một bản kế hoạch hành đông (action plan) và một clip giới thiệu.
- Vòng 3: Ứng viên sẽ thuyết trình ý tưởng với Ban giám khảo và tham gia phỏng vấn.
Nếu thành công vượt qua 3 vòng thi, bạn sẽ trở thành Đại sứ của KPMG. Đồng thời, bạn sẽ nhận được cơ hội làm việc tại kỳ thực tập của KPMG dành riêng cho các bạn Đại sứ học năm nhất. Đến năm 2, do đã có kinh nghiệm làm việc tại KPMG trước đó, Phương Thảo apply dễ dàng hơn vào chương trình thực tập của KPMG, sau cùng là nhận được đề nghị thực tập của doanh nghiệp này.
Từ năm nhất, Phương Thảo thành công apply vào vị trí Đại sứ của KPMG, sau đó nhận cơ hội thực tập của doanh nghiệp dành riêng cho Đại sứ học năm nhất
Chia sẻ về bí quyết riêng để vượt qua vòng phỏng vấn của Big4, Phương Thảo nói: "Không chỉ riêng phỏng vấn tại Big4, trước mỗi lần đi phỏng vấn mình đều đọc kỹ bản mô tả công việc của doanh nghiệp. Thật may là các tiêu chí tuyển dụng của công ty đều phù hợp cá nhân mình.
Trong quá trình phỏng vấn, bên cạnh những câu hỏi liên quan đến chuyên ngành thì sự tự tin và chân thành sẽ là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn có thể chinh phục nhà tuyển dụng. Việc nắm chắc được những công việc đã ghi vào CV sẽ giúp mình tự tin thể hiện đúng bản thân với người phỏng vấn. Ngoài ra, khả năng nói Tiếng Anh cũng quan trọng ở vòng này, nhất là khi bạn đang muốn diễn đạt được đúng ý tưởng cho nhà tuyển dụng".
Thực tập tại Big4 là trải nghiệm đáng nhớ của Phương Thảo, trao cho cô nhiều cơ hội và trải nghiệm tuyệt vời. "Môi trường làm việc ở đây rất tốt. Các anh chị sếp hay đồng nghiệp khác đều giúp đỡ mình trong công việc", Phương Thảo tâm sự.
Môi trường làm việc tại KPMG là một trong những điều Phương Thảo ấn tượng nhất
Rõ ràng sự chăm chỉ, dám nghĩ dám làm và tinh thần chủ động nắm bắt cơ hội đã giúp Phương Thảo có thể học tốt cùng lúc hai trường Đại học và nhận được cơ hội thực tập từ năm 2. Thời điểm hiện tại, cô nàng cho biết vẫn đặt việc học lên đầu tiên, cố gắng để duy trì điểm số tốt trên trường. Bên cạnh đó, cô cũng đặt mục tiêu không ngừng mở rộng các mối quan hệ, tìm kiếm cơ hội thực tập khác để chuẩn bị nhiều nhất có thể cho sự nghiệp tương lai.
Ảnh: Nhân vật cung cấp