Sụp đổ bất cứ lúc nào
Trường được xây dựng từ năm 1996, mỗi năm có từ 25 đến 30 trẻ mầm non theo học. Do không được sửa chữa, tu bổ nên trường xuống cấp trầm trọng, tường bong tróc, loang lổ, nền móng xập xệ, trần lớp học dột nát, sụp đổ bất cứ lúc nào. Mặc dù lãnh đạo trường đã cố gắng khắc phục nhưng theo kiểu sửa chữa chắp vá. Vào mỗi mùa mưa bão, giáo viên và phụ huynh chủ động cho trẻ nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng.
Cô giáo Võ Thị Kim Dung, giáo viên ở điểm trường này cho biết: “Mỗi lần đến lớp, đặc biệt là trong những ngày mưa gió, cô trò và cả phụ huynh rất lo lắng. Tôi rất mong cấp trên quan tâm đầu tư, xây dựng ngôi trường mới khang trang hơn…”.
Cô giáo Võ Thị Kim Dung phải chở nước đến trường cho các em sinh hoạt Ảnh: Nguyễn Ngọc
Nhiều năm nay, phụ huynh đành “bấm bụng” cho con em theo học ở điểm trường xóm Đồng, bởi họ có ít sự lựa chọn, vì các điểm trường khác nằm xa khu vực sinh sống. “Trường học tồi tàn, ngày nắng còn đỡ, ngày mưa cho con đi học mà lo. Biết là trường không an toàn nhưng buộc phải đưa con đến lớp vì các điểm trường khác nằm rất xa”, chị Nguyễn Thị Phương- một phụ huynh than thở.
Đi vệ sinh thì phải... vào rừng
Dù xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017, nhưng suốt hơn 26 năm qua, nhà vệ sinh dành cho trẻ mầm mon, giáo viên và cả nước sinh hoạt ở điểm trường xóm Đồng cũng không có. Mỗi khi trẻ mầm non có nhu cầu đi vệ sinh, các em đều phải chạy lên núi phía sau trường để giải quyết nhu cầu. Còn cô giáo phải chạy qua nhà người dân để nhờ.
Kể về tình huống không có trong “giáo án”, cô giáo Võ Thị Kim Dung bộc bạch, khi trẻ có nhu cầu đi đại tiện, tôi phải qua nhà người dân mượn cây cuốc rồi dẫn các em lên núi, cách trường khoảng 100 mét, để đào lỗ cho các em đi đại tiện, xong rồi lấy đất lấp lại.
“Các cháu còn nhỏ, núi phía sau trường cây cối rậm rạp, nên tôi phải đi theo để canh chừng, đảm bảo an toàn. Bất tiện, nhưng cũng phải chịu, vì để các em phóng uế gần trường thì sẽ ảnh hưởng đến vệ sinh. Còn riêng tôi nếu có muốn đi vệ sinh thì phải chạy qua đi nhờ nhà vệ sinh của người dân”.
Cô giáo Võ Thị Kim Dung
Chị Phan Thị Bích Trang, phụ huynh có con học ở đây chia sẻ, trường nằm ngay vị trí xung quanh toàn là cây cối người dân trồng um tùm, nên muỗi trú ngụ rất nhiều. Con chị ngồi trong lớp, bị muỗi đốt, sưng cả người. Tuy vậy, không cho con học ở đây thì biết học ở đâu nên chị ráng cho cháu theo học xong 2-3 năm ở điểm trường này, đợi lên bậc tiểu học sẽ được học ở nơi đảm bảo hơn.
Chưa hết, kể từ khi thành lập cho đến giờ, trường không có nước sinh hoạt. Để khắc phục tình trạng thiếu nước, sáng nào cô giáo Võ Thị Kim Dung cũng phải chở theo một can nước hơn 20 lít đến trường để cho các cháu sinh hoạt.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thăng - Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, toàn xã có 5 điểm trường lẻ dành cho trẻ mầm non. Không chỉ điểm trường xóm Đồng mà nhiều điểm trường khác cũng xuống cấp nghiêm trọng và không có nhà vệ sinh, trong đó có một điểm trường hư hỏng nặng, nên xã phải mượn tạm nhà văn hóa cho các em học.
“Trước đây huyện cũng đã bố trí ngân sách để xây dựng một trường mầm non trên địa bàn xã, nhằm dồn 5 điểm trường lẻ về một nơi. Tuy nhiên, vị trí được quy hoạch xây dựng có nền địa chất yếu, chi phí xây dựng khoảng trên 7 tỷ đồng, trong khi kinh phí chỉ được bố trí 5 tỷ, nên đến giờ dự án xây dựng trường mầm non trung tâm xã vẫn đang nằm trên… giấy”, ông Thăng nói thêm.
Ông Võ Văn Đồng - Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, sẽ chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện phối hợp với các cơ quan chức năng đi kiểm tra tình hình thực tế tại đây.
“Trước mắt, chúng tôi sẽ giao cho Phòng GD&ĐT huyện Bình Sơn đầu tư khoảng 200 triệu đồng để sửa lại nhiều hạng mục như phần mái trường, tường, làm mới mái hiên, sân trường, đồng thời xây dựng một nhà vệ sinh cho học sinh mầm non xóm Đồng và sẽ hoàn thành việc sửa chữa, xây mới nhà vệ sinh trong năm 2022”, ông Đồng nói.