Trịnh Bảo Hân, lớp 12 Anh 2, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhận tin giành học bổng Global Scholars của Đại học Drexel, hôm 22/3. Ngôi trường này hiện ở vị trí thứ 98 trên bảng xếp hạng đại học Mỹ của US News.
Nữ sinh sẽ được miễn toàn bộ học phí ngành Sản xuất và Thiết kế game, trị giá khoảng 60.000 USD (1,5 tỷ đồng) mỗi năm. Gia đình em chỉ cần chi khoảng 20.000 USD cho ăn ở, sinh hoạt. Trên website, Đại học Drexel cho hay đã trao 120 suất học bổng này cho các ứng viên toàn thế giới trong 12 năm qua.
"Nhận được tin vui lúc 1h sáng, em chỉ biết thốt lên 'wow'", Hân nhớ lại. Trước đó, em đã đỗ 4 trường khác.
Trịnh Bảo Hân. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hân lập kế hoạch du học từ lớp 11 và bắt tay chuẩn bị hồ sơ vào đầu năm lớp 12. Với Hân, phần khó nhất là viết luận.
Nữ sinh loay hoay vì nhiều ý tưởng nhưng bài luận giới hạn chữ nên không biết cách kể chuyện ra sao cho thuyết phục. Em tìm đọc nhiều bài trên mạng để tham khảo, rồi viết nháp tới 200 trang trên máy tính.
Ngoài bài luận chính, Drexel yêu cầu 4 bài luận phụ. Hân ưng ý nhất hai bài viết kể về khó khăn từng gặp và dự định làm gì để góp phần phát triển đất nước sau khi học xong.
Đầu tiên, Hân viết về lần đắn đo giữa mặc vest hay áo dài trong buổi chụp ảnh kỷ yếu. Theo em, nhiều người tự ti về thể chất, có lý do riêng về tinh thần hay sợ bị bàn tán về giới tính, nên việc phải chọn một trang phục nhất định sẽ rất bó buộc.
Sau nhiều ngày cân nhắc, em quyết định mặc cả hai trang phục.
"Em thấy mình khác lạ khi mặc vest. Em đã bước ra khỏi vẻ dịu dàng thường ngày để tự tin với hình ảnh mạnh mẽ", Hân nói.
Nói về niềm đam mê game, Hân muốn chứng minh đây là sự giao thoa của khoa học và nhiều loại hình nghệ thuật. Hân tiếp xúc và chơi game từ thời tiểu học.
"Những game trên mạng chơi theo đội dễ bị cuốn theo nên em tập trung vào những trò giả lập, có cốt truyện, nhân vật, hình ảnh và bối cảnh", nữ sinh kể.
Việc chơi game giúp Hân kết nối với những người khác, tăng phản xạ và khả năng phán đoán. Theo em, bố mẹ không khắt khe việc con gái chơi game, miễn đảm bảo việc học. Hân áp dụng phương pháp Pomodoro, đặt thời gian học 25 phút, nghỉ giải lao 5 phút. Thời gian nghỉ, em chơi các game như Pokemon, The World Ends With You, Ghost Trick, Subnautica... để thư giãn đầu óc.
Mỗi ngày, Hân chơi ít nhất một tiếng. Trong những chuyến phiêu lưu, em cảm thấy muốn tạo ra thế giới của riêng mình bằng cách lập trình, thiết kế và tự làm game.
Hân tự học chương trình khoa học máy tính của Đại học Harvard trên mạng, xem video hướng dẫn sử dụng phần mềm làm game của các nhà phát triển rồi mày mò tạo ra những trò chơi đơn giản. Em cũng kết bạn với các lập trình viên và nhà thiết kế game trong và ngoài nước để học hỏi.
Năm ngoái, Hân tự làm một trò chơi trong hai tuần để tham dự cuộc thi của Đại học Nam California (USC) - trường có ngành Thiết kế game đứng đầu Mỹ, và giành giải ba. Nữ sinh sau đó cùng nhiều bạn từ Canada, Mỹ, Anh làm trò chơi thám tử phá án cho một cuộc thi khác. Hân phụ trách phần thiết kế nhân vật và bối cảnh. Nhóm em đứng thứ 86/400 đội, được mời tham gia một sự kiện của các nhà làm game khu vực Đông Nam Á.
Từ đam mê của bản thân, Hân cho rằng game không chỉ là công cụ giải trí mà còn là sân chơi sáng tạo, nghệ thuật và thể hiện cá tính. Em đặt việc phát triển game vào bối cảnh lớn về nghệ thuật, giáo dục và xã hội, từ đó đóng góp vào phát triển tiềm năng sáng tạo của đất nước.
Cô Nguyễn Bùi Hạnh Nguyên, mentor (cố vấn) của Hân, nhận xét bài luận về game và các sản phẩm mà Hân làm đã chứng minh niềm đam mê thực sự của em. Đây là yếu tố then chốt giúp Hân giành học bổng.
Ngoài ra, hồ sơ của Hân còn có điểm trung bình học tập 9,7, điểm SAT 1570/1600 và IELTS 8.0. Các dự án về thiết kế của em thể hiện khả năng nghệ thuật.
Hân háo hức sang Mỹ nhập học vào tháng 9 tới và nhanh chóng kết nối với cộng đồng sáng tạo, phát triển game ở trường để học hỏi.
"Mỗi người có một con đường của riêng mình nên đừng bao giờ cảm thấy là quá muộn hay không dám thể hiện bản thân. Hãy tìm ra đam mê và tự tin theo đuổi nó", Hân nói.
Bình Minh