Han tốt nghiệp thạc sĩ ngành Văn học Anh tại một đại học danh tiếng ở Seoul.

Cô cho biết đã ứng tuyển vào khoảng 100 vị trí, chủ yếu là công việc bán hàng ở nước ngoài hay hoạch định chiến lược và quản lý mua - bán. Mục tiêu ban đầu của Han là kiếm việc có mức lương 36.300 USD (920 triệu đồng) mỗi năm. Hiếm có công ty nào, ngoài các tập đoàn lớn đưa ra mức lương như vậy.

Dù vậy, thị trường việc làm ngày càng trở nên thách thức hơn do suy thoái kinh tế. Các công ty lớn đều cắt giảm tuyển dụng và đưa ra tiêu chí sàng lọc chặt chẽ hơn.

"Việc tuyển dụng bị đình trệ, đặc biệt là đối với các vị trí có kinh nghiệm", Han nhận định. Cô bây giờ nhắm tới mức lương 30.000 USD, song cũng nộp cả những chỗ thấp hơn.

viec1-4886-1714232384.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ylxTe4-ZFIUe2nLdt5cWoQ

Han Sung Ju vẫn thất nghiệp sau hai năm kể từ khi tốt nghiệp thạc sĩ. Ảnh: CNA

Han là một trong khoảng 248.000 người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 thất nghiệp tính đến tháng 3 năm nay, theo văn phòng thống kê Hàn Quốc. Số liệu của chính phủ công bố tháng 8 năm ngoái cũng cho thấy hơn 1,26 triệu thanh niên không có việc làm, một nửa có bằng cử nhân trở lên.

Còn theo một thống kê khác, gần 4/10 thanh niên thất nghiệp đã không có việc trong 3 năm qua. Trung bình, một người mất hơn 10 tháng mới tìm được chỗ làm sau khi ra trường.

Một trong những lý do là nhiều thanh niên như Han mong làm việc trong các công ty lớn để kiếm được nhiều tiền hơn. Khoảng cách tiền lương giữa các công ty nhỏ và lớn gần như tăng gấp đôi trong vài năm. Điều này khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu lao động, dù chiếm tới 80,9% số việc làm, The Korea Herald đưa tin năm ngoái.

Các chuyên gia cho rằng cần phải giúp những lao động trẻ cảm thấy an tâm, bằng việc tạo ra các mạng lưới an toàn và hệ thống hỗ trợ tốt hơn, khuyến khích họ tìm kiếm cơ hội việc làm ở những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, nhiều thanh niên cho rằng mình chưa thành công vì thiếu kỹ năng. Han nói gặp khó với các bài kiểm tra của trí tuệ nhân tạo và đánh giá tính cách. Do đó, cô thường bị các nhà tuyển dụng tiềm năng từ chối.

Nhiều công ty Hàn Quốc cũng yêu cầu ứng viên phải đạt điểm cao trong các kỳ thi năng lực tiếng Anh.

viec-1644-1714232385.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jNrmFG-EprChl8yUaG3jIw

Học viên tại Trung tâm đào tạo ngôn ngữ W ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: CNA

Trên khắp Hàn Quốc, các trung tâm đào tạo đã mọc lên để đáp ứng nhu cầu này. Ví dụ, Trung tâm đào tạo ngôn ngữ W ở Seoul ghi nhận số lượng đăng ký các khóa kỹ năng giao tiếp tăng. Khóa học kéo dài 8 tuần phổ biến nhất ở đây có giá 475 USD (12 triệu đồng), dạy cách trả lời phỏng vấn và cải thiện khả năng diễn đạt.

Trợ lý giám đốc trung tâm Cho Hee Youn cho biết khách hàng của họ gồm sinh viên đại học, cử nhân mới tốt nghiệp hay những người đã nhiều lần thất bại khi tìm việc. Đến nay, khoảng 85% học viên có việc làm ổn định.

Kim Doyeon, 29 tuổi, đang theo học tại trung tâm, hy vọng là một trong những người may mắn đó. Kim trước đây làm việc trong ngành bán lẻ hàng xa xỉ. Giờ cô ứng tuyển vào các hãng hàng không lớn, như mong muốn của nhiều người trẻ khác.

"Người ta nói thành tích học tập và trình độ ngoại ngữ càng cao càng tốt", Kim chia sẻ. "Tôi cảm giác mọi thứ bây giờ cần phải ở mức cao nhất, khiến việc xin được việc làm trở nên khá khó khăn".

Bình Minh (Theo Channel News Asia)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022