Trên đường đi làm về, tôi ghé tiệm bánh bán kèm đồ ăn nhanh trên phố mua mấy món cho bọn trẻ. Cùng quay ra từ cửa hàng với tôi là hai người mẹ khác. Có hai đứa trẻ cùng đứng đợi phía ngoài. Một người mẹ vừa ra đến nơi đã càm ràm: "Không còn bánh hăm-bơ-gơ đâu. Thôi, về uống tạm cốc sữa rồi tối ăn cơm. Lằng nhà lằng nhằng, suốt ngày đòi ăn vặt, quen mồm".

Thằng bé nghe mẹ nói thế, mặt bí xị, miễn cưỡng leo lên xe. Nó lùng bùng: "Thì mẹ chả hứa con được điểm 10 sẽ cho con ăn hăm-bơ-gơ còn gì. Tại con đói, con mới đòi. Mẹ nuốt lời hứa". Thái độ người mẹ khá khó chịu: "Đừng có được voi đòi tiên. Không ăn lúc này thì ăn lúc khác. Đừng có mà lèo nhèo, làm mẹ cáu". Thằng bé ngồi sau xe mẹ, tay buông thõng hững hờ, mắt buồn rười rượi.

Tôi đứng quan sát câu chuyện giữa hai mẹ con. Nếu nhìn ở góc độ bà mẹ, chị chẳng có gì sai hay quá đáng. Vì nhiều người vẫn tự cho mình cái quyền bất khả xâm phạm là mắng mỏ/ từ chối/ quyết định thay con khi mình thích/ hoặc cho rằng đúng. Song đứng ở góc độ cậu bé, tôi thấy thương cho sự ấm ức của cậu, nhất là vào lúc cuối chiều tan học với cái bụng đang đói cồn cào. Có lẽ, trước khi mẹ cậu dừng lại ở cửa hàng bán đồ ăn nhanh, cậu đã sung sướng nhường nào khi nghĩ đến giây phút trên đường về nhà, ngồi sau xe mẹ, được ngấu nghiến ăn chiếc hăm-bơ-gơ béo ngậy, thơm phức.

photo-1-1677821164709166725327.jpg

Một lời xin lỗi từ cha mẹ cần thiết biết bao để xoa dịu tổn thương trong lòng con trẻ.

Trong khi người mẹ không mua được chiếc hăm-bơ-gơ cho con đã lên xe đi khuất, người mẹ kia quay ra, ngồi thấp người xuống ôn tồn ôm cô con gái nhỏ: "Con đói lắm phải không? Mẹ xin lỗi vì không còn món bánh kẹp chuối mà con thích. Con ăn tạm bánh khác được không? Su kem, bánh ruốc, pizza phô mai hay xúc xích? Con ăn gì nào?". Cô bé ngập ngừng: "Thôi, con chỉ thích bánh ngọt kẹp chuối của cửa hàng này. Hôm khác mình mua cũng được mẹ ạ. Mình về còn qua trường đón em Bi nữa".

Người mẹ thoáng lăn tăn: "Hay trên đường về, ta thử ghé một tiệm bánh khác xem có bánh kẹp chuối không nhé!". "Không sao mà mẹ! Hôm khác con ăn ạ. Mình về thôi mẹ!". Cô bé nhìn mẹ mỉm cười, chủ động đi theo mẹ rồi lên xe. Nhìn cô bé ôm chặt eo mẹ, áp má vào lưng mẹ, đủ thấy dù không được ăn chiếc bánh mình thích nhưng cô bé vẫn hạnh phúc!

Trên đường về nhà, tôi cứ suy nghĩ về thái độ ứng xử của hai bà mẹ với con. Cũng là một tình huống nhưng cách giải quyết vấn đề của hai người hoàn toàn khác nhau. Cũng là không được ăn món mình đang ao ước nhưng thái độ, cảm xúc của hai đứa trẻ hoàn toàn trái ngược.

Và tôi nhận ra, những đứa trẻ thường hay nói câu xin lỗi người lớn khi chúng mắc sai lầm nhưng người lớn lại ít chủ động nói lời xin lỗi con trẻ khi làm chúng tổn thương. Một lời xin lỗi từ cha mẹ cần thiết biết bao để xoa dịu tổn thương trong lòng con trẻ. Nói lời xin lỗi với con cũng là điều cha mẹ cần phải học và trở thành thói quen.

Điều cha mẹ nên làm khi không phải với con:

- Khi bình tĩnh lại, cha mẹ cần thẳng thắn nhận lỗi, thay vì trốn tránh hoặc cho rằng mình là người lớn nên không sai.

- Một lời xin lỗi chân thành, trực tiếp từ cha mẹ luôn là cách tốt để hòa giải mâu thuẫn với con cái.

- Thường trong lúc nóng giận, chúng ta không nhận thức được lời nói và hành vi của bản thân. Vì thế, sau khi lấy lại bình tĩnh, nên giải thích cho trẻ hiểu điều đúng, điều sai từ chuyện đã xảy ra.

- Cha mẹ sẵn sàng nhận lỗi và lắng nghe tiếng lòng của con chính là cách để xoa dịu những tổn thương trong lòng con trẻ sau mỗi mâu thuẫn, xung đột. Hãy lắng nghe con bộc lộ suy nghĩ để hiểu con nghĩ và cảm nhận thế nào trước thái độ của cha mẹ, từ đó có cách điều chỉnh hành vi kịp thời.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022