Nữ sinh trường Đại học Thương mại, quê Phú Thọ, mới nhập học chỉ một tháng nhưng nhiều lần cãi nhau với bạn cùng phòng về việc giữ gìn vệ sinh chung và sinh hoạt điều độ.

"Em cứ tưởng lên đại học quen bạn mới sẽ vui, chẳng nghĩ ở ghép lại phức tạp đến thế", Linh nói, cho biết bạn cùng phòng thường về nhà lúc 11-12 giờ đêm rồi lục đục nấu nướng, vệ sinh. Quần áo bẩn để dồn thành đống ba ngày mới giặt một lần.

Nghe nói ở ký túc xá sẽ có nhiều kỷ niệm đẹp thời sinh viên, Hạnh, sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM, quyết định không thuê trọ bên ngoài. Tuy nhiên, ngay những ngày đầu nhập học, Hạnh khó chịu với cách sinh hoạt của các bạn cùng phòng. "Có bạn nằm giường trên để đèn từ đêm đến sáng khiến em và cả phòng khó ngủ", Hạnh kể.

-3485-1666886969.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=28_Xm-WR7GCVGPVFp5AQ_Q

Sinh viên ngồi ăn cùng nhau trong thời gian giãn cách vì Covid-19 ở Ký túc xá Bách khoa Hà Nội hôm 20/3/2020. Ảnh: Thanh Huế

Khảo sát nhanh hơn 20 sinh viên tại một số trường đại học ở Hà Nội, 13 sinh viên trả lời có mâu thuẫn với bạn cùng phòng về giờ giấc sinh hoạt; 9 sinh viên phàn nàn về việc dọn dẹp, vệ sinh và nấu nướng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020, khoảng 1,2 triệu sinh viên sống tại Hà Nội và TP HCM. Một số nghiên cứu ở pham vi nhỏ cho thấy tỷ lệ sinh viên ở trọ bên ngoài và ở ký túc xá của nhiều trường đại học khoảng 60-70%. Một khảo sát của nhóm sinh viên trường Đại học Thương mại (Hà Nội) năm 2018 với 360 sinh viên cho thấy 78% ở trọ, chủ yếu ở ghép 2-3 người; 21% ở ký túc xá hoặc gia đình người thân; 65% trong số sinh viên khảo sát từng chuyển phòng. Tại Đà Nẵng, một khảo sát với 400 sinh viên từ khóa 17 đến khóa 21 của trường Đại học Duy Tân cho thấy số lượng sinh viên thuê nhà trọ chiếm tỷ lệ 52,25%, 7,25% sinh viên ở ký túc xá, sinh viên ở nhà người thân, người quen chiếm 13,75%.

Cho sinh viên thuê phòng nhiều năm, chị Hà, chủ một dãy phòng trọ ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cho biết thời điểm đầu năm học do số lượng phòng cho thuê gần các trường đại học có hạn, sinh viên chủ yếu tìm bạn ở ghép là người xa lạ và không có thời gian tìm hiểu rõ về bạn.

Linh và người bạn đang ở cùng quen nhau qua một nhóm tìm phòng trọ trên mạng xã hội. Cả hai là sinh viên cùng trường nên nhanh chóng quyết định thuê trọ và dọn đến ở một ngày trước khi nhập học. Một tuần có 7 ngày thì 5 ngày cô bạn của Linh về muộn, sau đó bật điện sáng choang để nấu ăn. Nữ sinh vì thế thường bị đánh thức rồi không ngủ được tiếp, mệt mỏi khi đi học buổi sáng.

Hạnh và bốn nữ sinh khác rất vui vẻ phân công lịch vệ sinh khi mới dọn đến ở cùng nhau trong ký túc xá. Nhưng chỉ được hai, ba tuần đầu, sau đó nếu không nhắc thì không ai chịu cầm chổi quét phòng. Ngoài cô bạn bật đèn khiến Hạnh khó ngủ, còn có bạn thiếu ngăn nắp khiến phòng ở bừa bộn. Hình ảnh tóc rụng vương khắp sàn là điều khiến Hạnh ám ảnh nhất mỗi khi đi tắm.

-7961-1666836693.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mA0XbdpErhkk3XuQMeCSFA

Một phòng trọ của sinh viên ở Cầu giấy tháng 11/2021. Ảnh: NT

"Chỉ cần một vài bạn tắm xong không dọn sạch sẽ, ai tắm sau sẽ phải thông ống thoát nước", Hạnh nói.

Việc sử dụng phòng tắm cũng là nỗi bức xúc của Linh. "Mỗi lần bạn vệ sinh buổi tối, phòng tắm không khác gì một 'bãi chiến trường', quần áo bẩn, bông tẩy trang vứt la liệt, mùi rất khó chịu", Linh nói. Ngoài ra, đồ dùng của Linh như dầu gội, sữa tắm cũng bị bạn tự ý sử dụng thoải mái.

Theo nữ sinh, khi góp ý trực tiếp, lần nào Linh cũng nhận được lý do "mệt và để mai dọn". Một số lần Linh tự dọn dẹp và sắp xếp lại đồ đạc để bạn biết ý hơn nhưng cô bạn càng bày bừa thêm. Có lần, Linh cãi nhau đến gần 2h sáng vì yêu cầu bạn dọn dẹp lại nhà vệ sinh sau khi sử dụng nhưng bất thành.

TS Phan Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông, Trường Đại học Thương mại, cho rằng nguyên nhân chính khiến các tân sinh viên gặp vấn đề với bạn cùng phòng là do "khác biệt vùng miền". Một số thiếu kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, nên loay hay khi phải tìm cách giải quyết vấn đề. Ông từng gặp các tình huống như bạn ở tự tiện sử dụng đồ của người khác, đưa người lạ vào phòng, làm ảnh hưởng đến sự riêng tư của người ở cùng.

Theo chị Hà, vì nhiều lý do tưởng chừng nhỏ nhặt trong sinh hoạt, giờ giấc, một số sinh viên chấp nhận phá hợp đồng, bỏ tiền đặt cọc và chuyển đi.

Ông Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM, cho rằng sống chung trong ký túc xá hay ở trọ bên ngoài đều đòi hỏi sinh viên phải điều chỉnh thói quen của bản thân.

Ông Nam và ông Quyết lưu ý tân sinh viên nên tích cực trò chuyện và góp ý trực tiếp cùng nhau để tìm ra cách giải quyết các mâu thuẫn nhỏ, không nên im lặng. Bất đồng nhỏ sẽ dần tích tụ thành mâu thuẫn lớn. Tuy nhiên, sinh viên cần giữ bình tĩnh, kiên nhẫn lắng nghe và điều chỉnh thái độ, tránh cáu gắt. Ngoài ra, cần giữ kỷ luật cá nhân và tôn trọng quan điểm của người khác.

Hạnh và các bạn cùng phòng đã ngồi lại trò chuyện để hiểu hơn về thói quen của nhau, góp ý về giờ giấc sinh hoạt chung và thống nhất tuân thủ lịch dọn dẹp cho từng người.

Sau nhiều lần cãi vã, Linh và bạn không còn ăn chung và trò chuyện nhiều như trước. Bạn cùng phòng đã nhắn tin thông báo sẽ chuyển đi khi tìm được nơi trọ mới và muốn lấy lại tiền đặt cọc.

"Em sẽ xin thêm bố mẹ để gửi tiền cọc cho bạn chuyển phòng vì lối sống và suy nghĩ của cả hai quá khác biệt", Linh nói.

*Tên sinh viên đã được thay đổi

Duy Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022