Với chủ đề "Onwards: Break through" (Đột phá), TEDxBUV 2022 - sự kiện do sinh viên Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) tổ chức ngày 13/11 đón hàng trăm bạn trẻ tới lắng nghe những chia sẻ truyền cảm hứng, giao lưu và kết nối. Sáu câu chuyện trên sân khấu là những lăng kính đa sắc màu được đúc kết từ trải nghiệm của sáu diễn giả công tác trong các lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ, quảng cáo, sáng tạo, điện ảnh, văn hóa...
Mở đầu chương trình, "Ngôn ngữ điện ảnh" được đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh giải thích và tóm lược qua những cảnh quay trong các tác phẩm sáng tạo của anh, gợi mở cho khán giả về cách xem và "cảm" phim từ màu sắc, âm thanh, góc đặt máy quay... Đạo diễn Lê Minh nổi tiếng với các phim ngắn, phim tài liệu và điện ảnh như "Ngọn gió về đâu, Chung cư của tôi, Mùi nước mắm, Thưa mẹ con đi...
Diễn giả Trịnh Đình Lê Minh. Ảnh: BUV
"Một sự thay đổi nhỏ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ phim. Mỗi lựa chọn cũng mở ra cơ hội để người xem suy ngẫm và có cảm nhận riêng, góc nhìn riêng", anh gọi đó là sự kỳ diệu của ngôn ngữ điện ảnh. Theo đạo diễn Lê Minh, cuộc sống cũng diễn ra tương tự. "Bạn có nhiều lựa chọn phải cân nhắc, từng bỏ qua nhiều thứ, cũng tìm được nhiều thứ. Cuộc sống có các góc nhìn đa chiều, chỉ cần thay đổi cái nhìn để thấy sự đa sắc và trân trọng hơn".
Xuyên suốt chương trình, những đề tài về văn hóa, sáng tạo...tưởng chừng như quen thuộc đã được xoay sang một chiều góc nhìn khác với những chi tiết thú vị, từ đó truyền tải thông điệp về việc phá vỡ giới hạn điểm nhìn thông thường, cổ vũ tư duy đón nhận và phản biện.
Bước vào lãnh địa của ngành thời trang hào nhoáng, câu chuyện của Vũ Anh Thư, Nhà sáng lập và CEO của Passii Việt Nam - "Sự tuần hoàn của thời trang" lại hé lộ góc khuất của ngành công nghiệp cùng những sự thật đáng báo động.
Dệt may là nhóm sản phẩm làm từ nhựa hóa dầu lớn thứ hai sau bao bì. Hầu hết quần áo trên thế giới được làm bằng polyester, loại sợi tổng hợp chủ yếu có nguồn gốc từ dầu mỏ. Những món đồ quần áo, vải từ nhựa phải mất hàng trăm năm để phân huỷ, và chỉ ít hơn 1% được tái chế.
Diễn giả Vũ Anh Thư. Ảnh: BUV
Cũng qua câu chuyện khởi nghiệp với nền tảng ký gửi quần áo qua sử dụng, nữ diễn giả gửi gắm thông điệp: "Mọi người đều có thể hành động từ những điều nhỏ nhất, như đọc nhãn mác, hay tìm hiểu nguồn gốc khi mua quần áo. Thời trang bền vững không nằm ở món đồ, mà nằm ở cách sống, cách tiêu dùng".
Liên tục khiến khán giả trong hội trường bật cười thích thú, anh Lê Hữu Lộc, chuyên gia sáng tạo tại BAEMIN dẫn dắt người nghe vào hành trình đầy ắp những sáng kiến. "Tất cả chúng ta - ai cũng có thể trở thành người sáng tạo", vị diễn giả mở đầu. Những ý tưởng có thể bật ra từ quan sát ngẫu nhiên. "Cốt lõi của sáng tạo là làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Cuộc sống cần sáng tạo và ngược lại, sáng tạo cần cuộc sống".
Bí quyết ra đời những ý tưởng sáng tạo, theo vị chuyên gia, là đừng phức tạp hoá mà hãy suy nghĩ đơn giản, quan sát mọi thứ xung quanh, hay thay đổi góc nhìn. "Chỉ cần lật ngược vấn đề, hay thay đổi góc nhìn, bạn sẽ cởi mở với mọi thứ, sáng tạo hơn, sống trọn với khoảnh khắc hơn", Lộc Lê nhắn nhủ.
Diễn giả Lê Hữu Lộc. Ảnh: BUV
Nhắc đến nhiều tác phẩm nghệ thuật mới quen thuộc với giới trẻ, Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê, Trưởng Bộ môn Văn học dân gian, nay là Bộ môn Folklore và Văn hoá đại chúng tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ về "Sự đa dạng trong biểu đạt văn hoá và Chiếm dụng văn hoá".
Chiếm dụng văn hóa là việc một người từ bên ngoài cộng đồng, lấy chất liệu văn hóa từ cộng đồng khác để đưa vào tác phẩm của họ. Diễn giả lấy ví dụ về sự pha trộn, học hỏi văn hoá từ những điều gần gũi nhất, như một đứa trẻ học nói, sự kết hợp của các món ăn..., coi đó là một quá trình tự nhiên, tạo nên sự thú vị, đa dạng văn hoá.
Sự chiếm dụng văn hóa sẽ không phù hợp nếu gây hiểu biết sai lệch, tổn thương, thiếu tôn trọng tới cộng đồng mà nghệ sĩ sử dụng. Chuyên gia cũng lưu ý để hạn chế rủi ro khi khai thác chất liệu cho những bạn trẻ ấp ủ dự án nghiên cứu, muốn truyền tải nét văn hóa của dân tộc thiểu số vào nghệ thuật, thời trang, âm nhạc, điện ảnh...
Ngoài các vấn đề văn hóa đương đại, những chủ đề đang là xu hướng, mang hơi thở cuộc sống như công nghệ hàng không vũ trụ; thông điệp về lòng dũng cảm, trách nhiệm và sự hi sinh để vượt qua nỗi đau cũng được các diễn giả chia sẻ thông qua những trải nghiệm cá nhân.
Thầy Trương Ninh Thuận, Phó Viện trưởng, phụ trách Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ, Đại học Công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội đã bàn về tiềm năng vô hạn và những ứng dụng của công nghệ hàng không vũ trụ, bao gồm trong máy bay chiến đấu, tên lửa, máy bay dân dụng, vệ tinh, ứng dụng tìm đường, hay ôtô bay - tương lai của giao thông... Nhiều thắc mắc của các bạn sinh viên về cách thức vận hành, ứng dụng trong đời sống của công nghệ hàng không được chuyên gia giải đáp, tái hiện qua những ví dụ gần gũi và sống động.
Cũng tại sân khấu TEDxBUV 2022, những trải nghiệm về nỗi đau được Lê Cao Trí, CEO và sáng lập Vibeji (nền tảng trải nghiệm tại Việt Nam), và Baola (kho khiến thức) chia sẻ. Những thăng trầm, chuyển biến trong cuộc đời, sự nghiệp được diễn giả đúc kết thành những giá trị cốt lõi: "Dũng cảm dấn thân, Trách nhiệm và Hi sinh", trong đó sự dũng cảm là nền tảng cho mọi đột phá, cùng với đó là có trách nhiệm với lựa chọn và cuộc đời mình, hi sinh những gì tốt đẹp ở quá khứ để hành động, chạm vào những đích đến cụ thể, và tự định nghĩa cuộc đời mình.
TEDx là sự kiện độc lập tổ chức bởi các đội nhóm địa phương, được cấp phép bởi TED - một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1984 tại Mỹ với mục tiêu lan toả các ý tưởng có giá trị.
Khán giả lắng nghe những câu chuyện truyền cảm hứng tại TEDxBUV 2022. Ảnh: BUV
Ra mắt vào năm 2020, TEDxBUV được tổ chức bởi nhóm sinh viên đến từ Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam nhằm mang đến những kiến thức mới mẻ, các góc nhìn đa chiều và muôn màu của cuộc sống. Đây cũng là một trong những hoạt động thường niên được nhà trường khích lệ và tạo điều kiện cho sinh viên BUV tổ chức và quảng bá, mang lại những giá trị tri thức cho cộng đồng.
Phong Vân