Kết quả được nêu trong báo cáo của Emerging Technology Observatory (ETO) - một tổ chức trực thuộc Đại học Georgetown, Mỹ, công bố hôm 3/3.

Theo đó, giai đoạn 2018-2023, khoảng 475.000 bài báo liên quan thiết kế và chế tạo chip được xuất bản trên toàn cầu. Số công bố từ Trung Quốc là 160.000, chiếm 34%. Mỹ đứng thứ hai với trên 71.000 bài (15%). Tiếp theo là Ấn Độ và Nhật Bản.

Chín trong 10 tổ chức dẫn đầu về số lượng nghiên cứu bằng tiếng Anh ở Trung Quốc. Tám trong 10 bài báo được trích dẫn nhiều nhất thuộc về các Viện, đại học ở nước này, gồm Viện Khoa học Trung Quốc (CAS), Đại học Viện Khoa học Trung Quốc (UCAS), Thanh Hoa, Đại học Khoa học và Công nghệ điện tử Trung Quốc, Nam Kinh, Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hoa Trung, Chiết Giang, Bắc Kinh.

Trong đó, CAS đã công bố hơn 14.300 bài báo, với trên 3.400 bài được trích dẫn. Xếp thứ hai là UCAS với gần 7.850 bài. Đại học Thanh Hoa có 4.650 bài, xếp thứ 5.

62ce1d55a310fd2bec95efe9-jpeg-7185-5497-1745319025.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BIj94g5lsCIXjC2aFtOiUA

Đại học Viện Khoa học Trung Quốc. Ảnh: VCG/Chinadaily

Nghiên cứu chip đang là cuộc đua gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ. Zachary Arnold, chuyên gia phân tích chính của ETO, nhìn nhận mặc dùsố lượng bài nghiên cứu được công bố hay số trích dẫn chưa khẳng định Trung Quốc đang dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, song "nó cho thấy xu hướng phát triển trong tương lai".

Nếu những nghiên cứu được phát triển thành các ứng dụng thương mại, Mỹ có thể không còn khả năng dùng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để duy trì lợi thế cạnh tranh trong thiết kế và sản xuất vi mạch hiệu suất cao.

Bình Minh (Theo ETO, Nature)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022