''Đã dặn thế rồi nhưng thi thoảng lão vẫn bụp vào mặt'', Nguyễn Thu Ngọc, 28 tuổi, nói.
Những trận đòn của chồng bắt đầu từ khi cô sinh con đầu lòng được ba tháng. Sau 5 năm chung sống, có hai mặt con, cô vẫn thường xuyên bị chồng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay". Không ít lần con lớn phải chạy sang nhà ông bà nội đập cửa cầu cứu, sợ "bố đánh chết mẹ".
Trên cơ thể Ngọc vết thâm này chưa mờ lại có vết bầm mới. Thi thoảng cô phải xin làm từ xa hoặc nghỉ phép vì dấu vết bị đánh quá lộ. ''Ai cũng bảo tôi bỏ đi cho nhẹ nợ, nhưng tôi không làm được'', cô nói.
Người ngoài nhìn vào tưởng Ngọc sống dựa kinh tế vào chồng nhưng thực tế ngược lại. Cô là quản lý cho một doanh nghiệp nước ngoài, trong khi lương chồng chỉ đủ xăng xe, cà phê mỗi sáng.
Sinh ra đã mồ côi bố, người phụ nữ này luôn thiếu hụt tình cảm gia đình, không muốn nỗi đau lặp lại với hai con mình.

Ảnh minh họa: Pexels
Hồng Hạnh, 35 tuổi, trưởng phòng một công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội với 20 nhân viên dưới quyền nhưng cứ vài ngày lại bị chồng đánh một lần.
"Anh ta rất thô lỗ", Hạnh nói. "Đa phần là bạt tai hoặc đấm".
Chị từng nghĩ đến ly hôn, bởi luôn muốn giữ hình ảnh người phụ nữ thành đạt, có gia đình trọn vẹn. Trong sâu thẳm, chị cũng nghĩ chồng ngoại tình rồi trở nên cộc cằn, thô lỗ có một phần lỗi của mình.
''Tôi đã quá say mê với sự nghiệp, ít vun vén cho gia đình'', chị nói.
Hồng Hạnh không đơn độc. Kết quả Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ năm 2020 cho thấy 63% phụ nữ Việt từng bị chồng bạo lực. 80% không bao giờ chống trả, gần 50% chưa từng kể với ai.
Phụ nữ có trình độ học vấn cao vẫn có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình. Một nghiên cứu của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho thấy trong số phụ nữ bị bạo hành gia đình, 85% có trình độ đại học, thạc sĩ hoặc cao đẳng. Một nghiên cứu khác công bố trên tạp chí Khoa học chính trị, tháng 7/2024, cũng cho thấy bạo lực có xu hướng xảy ra cao nhất trong nhóm có trình độ học vấn cao (đại học), chiếm 31%, nạn nhân thường là phụ nữ.
''Bạo lực trong gia đình trí thức thường diễn ra âm thầm, được che đậy khéo léo nên rất khó phát hiện'', nghiên cứu nhấn mạnh.
Theo các nghiên cứu quốc tế, không chỉ gây tổn hại về tinh thần và thể chất cho nạn nhân, bạo lực gia đình ảnh hưởng đến tâm lý những đứa trẻ, khiến chúng sa sút học hành và tăng nguy cơ tái diễn bạo lực trong tương lai.
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân lý giải, dù có học vấn cao, nhiều phụ nữ vẫn thiếu hiểu biết pháp luật và quyền lợi cá nhân trong hôn nhân.
Trong những gia đình này, người chồng thường cảm thấy "bị tổn thương cái tôi" khi vợ vượt trội về kinh tế, dẫn đến hành vi bạo lực như một cách khẳng định quyền lực. Nghiên cứu của Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho thấy phụ nữ đóng góp tài chính nhiều hơn chồng có nguy cơ bị bạo hành cao gấp 2,4 lần.
Ngay cả khi có khả năng nhận thức vấn đề, một số phụ nữ trí thức lại im lặng chịu đựng vì sợ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của bản thân, gia đình và sự nghiệp. ''Khi ở vị trí xã hội hoặc danh tiếng nhất định, bạn càng không muốn mọi người biết góc khuất của mình'', bà Vân nói.
Gia đình bố mẹ đẻ Hồng Hạnh là một gia đình quan chức cấp cao, đặc biệt coi trọng thể diện. ''Tôi không muốn làm cha mẹ buồn, ảnh hưởng đến danh dự gia đình'', chị nói. Chồng biết điểm yếu của chị, nghĩ ''chết vợ cũng không dám'' tố cáo mình hay ly hôn.
Theo nhà tâm lý, dù có học vấn cao, nhiều phụ nữ vẫn bị chồng kiểm soát tài chính và thao túng tâm lý. Kẻ bạo hành thường khiến nạn nhân cảm thấy có lỗi, tin rằng mình đáng bị đối xử tệ, từ đó dần lệ thuộc vào họ.
Trong nhiều trường hợp, họ bị đe dọa nếu rời đi hoặc còn yêu nên nuôi hy vọng bạn đời sẽ thay đổi. Chính những yếu tố này khiến không ít phụ nữ, dù hiểu biết và thành đạt, vẫn chọn cách im lặng và cam chịu.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên trường Chính trị Khu vực II, cho rằng pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, chẳng hạn người đánh đập thành viên trong gia đình bị phạt 5-10 triệu đồng. "Nạn nhân vừa bị đánh, vừa mất tiền và thấy xấu hổ, nên không muốn trình báo", bà lý giải.
Theo bà Hoàng Hải Vân, nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực gia đình là bất bình đẳng giới, do tư tưởng trọng nam, khinh nữ đã ăn sâu. Muốn chấm dứt bạo lực đòi hỏi một cách tiếp cận đa dạng, bao gồm giáo dục, sự hỗ trợ cộng đồng, thực thi nghiêm minh pháp luật, thay đổi quan niệm cộng đồng.
Bà cho biết, hiện nay đã có một số chương trình can thiệp chuyên biệt cho người bạo hành có thể hỗ trợ họ nhận thức hành vi bạo hành, thừa nhận vấn đề, nhận diện những thái độ thúc đẩy hành vi bạo lực, có kỹ năng và phản ứng lành mạnh khi mâu thuẫn.
Ngay cả khi chưa có ý định rời đi, việc lên kế hoạch an toàn là cần thiết. Nạn nhân chuẩn bị sẵn giấy tờ tùy thân, tiền mặt, quần áo và xác định nơi có thể đến khi cần. Họ cũng nên duy trì kết nối với gia đình, bạn bè và các tổ chức phòng chống bạo lực gia đình để được hỗ trợ và có sự đồng hành. Trong điều kiện đảm bảo an toàn, hãy trao đổi rõ ràng và thẳng thắn với bạn đời về hành vi bạo lực và ranh giới bạn không chấp nhận.
''Cuối cùng, dù bạn lựa chọn tiếp tục hay kết thúc mối quan hệ, điều quan trọng nhất vẫn là: luôn ưu tiên sự an toàn của bản thân lên hàng đầu'', chuyên gia nói.
Chị Ngọc muốn giữ gia đình vì con, nhưng một lần nghe con trai gào lên ''Sao mẹ không bỏ quách đi cho nhẹ nợ!'', cô bừng tỉnh, nhận ra không phải giữ cái vỏ gia đình là giúp con hạnh phúc.
Cuối năm ngoái, giữa đêm, trong cơn say, chồng đánh Hồng Hạnh chảy máu miệng vẫn không dừng lại. Chị biết nếu không cầu cứu, bản thân có thể gặp nguy hiểm.
''Bố mẹ mắng tôi, danh dự gia đình, sĩ diện bản thân cũng không bằng mạng sống'', chị kể.
Như tìm được lối thoát, chị dứt khoát rời đi trong sự ngỡ ngàng của chồng.
*Tên nhân vật trong bài đã đổi.
Phạm Nga