Kết quả nghiên cứu được thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh, Phó trưởng khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP HCM, trình bày tại hội thảo Chăm sóc sức khỏe tinh thần do trường Đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức, sáng 27/12.
Bà Hạnh dẫn một nghiên cứu do bà thực hiện từ năm 2020 đến nay, qua khảo sát 3.480 học sinh 10-18 tuổi tại TP HCM và 9 tỉnh, thành phía Nam, hơn 37% (1.289 trẻ) có nguy cơ tự hủy hoại bản thân bằng những hành động gây thương tích trực tiếp trên cơ thể. Tiếp tục sàng lọc lần hai với những em này, có 6,1% (213 trẻ) đã tự gây tổn thương cho mình, với tần suất 1-4 lần/năm.
"Trên thế giới, tỷ lệ trẻ vị thành niên có hành vi tự hủy hoại bản thân dao động khoảng 5-7%, tùy quốc gia, một số quốc gia châu Âu có tỷ lệ cao lên đến 12%", bà Hạnh nói, cho biết đây là vấn đề được quan tâm trên toàn cầu. Nhiều quốc gia đã có những biện pháp phòng ngừa vấn đề này từ rất lâu, trước khi có dịch Covid-19.
Có nhiều năm làm việc tại trường phổ thông, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nói những học sinh có hành vi hủy hoại bản thân, tự tử thường rơi vào 3 trường hợp: Học sinh đã tự tử nhưng thầy cô, bố mẹ, bạn bè không nhận ra dấu hiệu nào bất thường trước đó; Học sinh đã được can thiệp hỗ trợ tâm lý nhưng không được; Học sinh có biểu hiện nhưng gia đình, thầy cô, bạn bè không kịp nhận ra.
Ông Trọng đánh giá vấn đề sức khỏe tinh thần của học sinh là vấn đề nóng, phức tạp, có chiều hướng tăng lên. Các chuyên gia tâm lý, nhà giáo dục, phụ huynh có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, quan trọng nhất là giai đoạn phòng ngừa.
Thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh. Ảnh: Lam Thanh
Thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh đánh giá trẻ vị thành niên là một giai đoạn đặc biệt, chuyển tiếp từ trẻ em thành người lớn, trẻ phát triển nhanh nhưng không ổn định, đặc biệt về cảm xúc. Lứa tuổi này cũng có đặc điểm bộc lộc cảm xúc, cá tính thái quá, bộc phát, bốc đồng. Khi đối diện với các tác nhân gây tổn thương, các em nhạy cảm hơn những độ tuổi khác.
Theo bà, hành vi tự hủy hoại bản thân là những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, gây tổn thương cho bản thân, bao gồm cả những suy nghĩ bi quan như "tôi không đáng sống", "tôi vô dụng". Ở nghĩa hẹp, đây là những hành động thương tích trên cơ thể, ví dụ như rạch tay, cào cấu, bứt tóc, nhéo tay, đập đầu vào tường, cố tình ăn uống chất gây hại, uống thuốc ngủ, cố tình để điện giật.
Từ kết quả nghiên cứu, bà Hạnh đề xuất 3 nhóm biện pháp phòng ngừa việc tự hủy hoại bản thân ở trẻ vị thành niên, gồm: Nâng cao nhận thức cho phụ huynh, giáo viên, trẻ vị thành niên, tích hợp các nội dung này vào chương trình giáo dục công dân, các hoạt động trải nghiệm ở trường học; Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ, gồm tổ chức chuyên đề tâm lý, giáo dục kỹ năng sống; tham vấn tâm lý cho học sinh có nguy cơ tự hủy hoại bản thân.
Trong khi đó, ông Trịnh Duy Trọng cho biết sắp tới Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế TP HCM sẽ ký kết nhiều chương trình phối hợp về y tế học đường giai đoạn 2022-2027, trong đó chú trọng chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh.
Lam Thanh