Người ta thường nói rằng "nghèo nuôi con trai, giàu nuôi con gái". Ý nghĩa quan trọng của "nghèo" nuôi con trai là thông qua cảm nhận sự nghèo khó và gian khổ của bản thân mà từ đó rèn luyện và bồi dưỡng phẩm chất, ý chí cho con. Điều này có nghĩa, khi giáo dục con trai nên nghiêm khắc hơn, đặc biệt đối với vật chất. Hãy để con chịu khổ chút ít, để con trải nghiệm thất bại, rèn luyện tính tự lập và chịu trách nhiệm...
Cha mẹ giáo dục con tính cần cù, tiết kiệm ngay từ nhỏ là điều nên làm, nhưng phải chú ý mức độ nếu không chưa chắc đã tốt cho con.
Cậu bé xuất thân giàu có nhưng bị mẹ "nuôi nghèo khổ" suốt nhiều năm
Trong một tập của chương trình "Chuyện tuổi Teen" (Trung Quốc), cậu bé Yang Yuqi, học sinh năm hai trung học, đã bước lên sân khấu để mạnh dạn "tố cáo" mẹ mình đã "nuôi dạy con không tốt". Cậu bé mô tả trải nghiệm của mình như sau:
"Từ khi học tiểu học, mẹ tôi thường gieo vào đầu tôi một suy nghĩ rằng nhà mình rất nghèo, nghèo đến mức không thể thoát ra được, nhiều khi muốn mua bút cũng phải nói với mẹ. Đồ hữu ích thì mới cần mua, còn đồ phù phiếm thì không bao giờ động đến. Điều này cũng khiến tôi lo lắng rằng một ngày nào đó tôi sẽ không thể có thức ăn để ăn nữa".
Trớ trêu hơn là một ngày nọ, cha của cậu đột nhiên mua một chiếc ô tô. Đứa trẻ nghĩ rằng điều kiện kinh tế của gia đình cuối cùng đã được cải thiện và đang trên đà có một cuộc sống sung túc, nhưng mẹ lại nói với cậu: "Cái này mua bằng tờ vé số mới trúng của gia đình. Chúng ta vẫn phải tiếp tục tiết kiệm".
Tất nhiên, khi cậu bé lớn lên từng ngày, không thể giấu chuyện này mãi được. Nam sinh này cuối cùng cũng nhận ra rằng mình đã chịu bao nhiêu năm tháng chật vật. Trên thực tế, cậu là người duy nhất trong gia đình sống một cuộc sống nghèo khổ và thiếu thốn.
Cậu phát hiện ra rằng mẹ đi chăm sóc sắc đẹp hàng ngày và bố ăn rất nhiều cá và thịt ngon lành. Vì vậy, cuối cùng không thể cảm thán mà gửi mẹ mình một câu hỏi: "Có ai lừa con trai mình như mẹ không?".
Người mẹ cảm thấy có phần xấu hổ, vội đính chính: "Con à, mẹ không lừa con đâu, mẹ chỉ thừa hưởng sự giáo dục của bà ngoại thôi. Bà cũng giáo dục mẹ như vậy khi mẹ còn nhỏ. Dù bây giờ con đã lớn nhưng mẹ mong sau này con vẫn tiết kiệm và làm việc chăm chỉ".
Người con trai nghe vậy thì gật đầu, nhưng sau đó lại nhân cơ hội muốn được mẹ tăng tiền sinh hoạt, nhưng bà mẹ cười đáp: "Cuộc sống vẫn cứ nên tiết kiệm một chút, sau này nếu muốn tiêu tiền thì tự mình kiếm được. Mẹ cũng tự kiếm tiền để đi spa và massage đấy thôi".
Bà mẹ trước sau vẫn kiên quyết với quan điểm dạy con tiết kiệm của mình.
Nghe đến đây, nhiều người khâm phục người mẹ này vì từ đầu đến cuối chưa bao giờ dao động trong triết lý giáo dục của mình, đó là phải dạy con cái tiết kiệm. Với bà, tiền trong gia đình dù có bao nhiêu cũng là của bố mẹ, sau này con muốn tiêu nhiều thì phải cố gắng làm việc để tự mình kiếm được. Người mẹ này không để con mình lạc lối trong thế giới vật chất dù gia đình không thiếu tiền.
Cư dân mạng tranh cãi
Hầu hết cư dân mạng đều tỏ ra đồng tình với phương pháp giáo dục của bà mẹ. Hãy quên đi việc mình là thế hệ thứ hai giàu có, tốt nhất cứ làm việc chăm chỉ để tự lập và thành công. Một số phụ huynh cho biết họ cũng từng gặp trường hợp tương tự, hoặc họ giáo dục con cái theo cách này.
"Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi cũng nói với tôi rằng nhà tôi nghèo, cho đến một ngày tôi đi xin trợ cấp để tiếp tục theo đuổi việc học, sau đó mẹ tôi không bao giờ nhắc đến chữ nghèo nữa...", một người chia sẻ. Luồng ý kiến này cho rằng nên học theo phương pháp giáo dục này, con trai cần chịu khổ để bồi dưỡng ý chí, nghị lực.
Nhưng tất nhiên, cũng có người chỉ trích phương pháp giáo dục, cho rằng con cái trong gia đình không hư hỏng là một sự may mắn: "Thật may khi kiểu giáo dục nghèo nàn này đã không hủy hoại những đứa trẻ! Cha mẹ có thể mua bất cứ thứ gì họ muốn, nhưng với con cái thì lại khắt khe. Điều này sao tránh làm đứa trẻ tổn thương, tự ti, nghi ngờ tình cảm của cha mẹ dành cho mình. Là cha mẹ ăn sung mặc sướng, nhìn con cơ cực thua kém bạn bè mà đành lòng sao?".
Có người nói ủng hộ con trai "nuôi dạy nghèo khổ" thực chất là rèn luyện ý chí của con trai, điều này quả thực đúng, nhưng chẳng phải con gái cũng cần rèn luyện ý chí sao? Cũng có người nói "nuôi con gái giàu có" tức là làm giàu thế giới tinh thần của con, điều này đúng, nhưng con trai có cần làm giàu thế giới tinh thần không?
Thế nên, bất kể trai hay gái, đạt được hai điểm này trong giáo dục mới là đúng đắn, không phân biệt giới tính:
(1) Về đời sống vật chất của con cái, cả con trai và con gái đều cần được "nuôi dạy nghèo khổ" đúng cách. Trên thực tế, hầu hết trẻ em sống trong xã hội ngày nay chưa từng phải chịu cảnh đói khổ, chưa hiểu được cuộc sống vật chất khó khăn, con cái muốn gì là được cha mẹ cho nên sinh ra tâm lý ỷ lại.
Có diễn viên nổi tiếng, dù gia đình giàu có nhưng vẫn sống giản dị, thỉnh thoảng còn đưa con đi cấy lúa, trải qua sự khó khăn của cuộc sống để con cái biết trân trọng thức ăn và biết giá trị của lao động. Thông qua đó, con cũng hiểu rằng chỉ khi đồng tiền có được từ sức lao động, từ trí tuệ của con thì nó mới đáng để tự hào.
(2) Về thế giới tinh thần, cả bé trai và bé gái nên càng phong phú càng tốt. Trên thực tế, điều này thường bị các bậc cha mẹ phớt lờ. Hầu như cha mẹ nào cũng chú ý đến việc học nhưng lại ít khi quan tâm đến thế giới nội tâm của con mình.
Hãy cùng trẻ trò chuyện, trao đổi nhiều hơn, điều này rất quan trọng để trẻ hình thành tâm trạng và nhân cách ổn định. Khuyến khích con và giúp chúng xây dựng sự tự tin. Bên cạnh đó, nuôi dưỡng thói quen đọc sách của trẻ và làm phong phú thế giới tinh thần của chúng. Nếu không có điều kiện đưa con đi du lịch nhiều, có thể tham gia nhiều hoạt động ngoài trời hơn.
Thực tế cho thấy, dù giàu hay nghèo, bất cứ gia đình nào cũng cần phải dạy con có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc. Theo các chuyên gia, thay vì dễ dãi thỏa mãn các yêu cầu của trẻ khi trẻ đòi mua sắm những thứ chúng thích, nên tập trung bồi dưỡng ý thức về giá trị đồng tiền, để trẻ hiểu cách tiêu tiền. Cần dạy trẻ hình thành dần tư duy tài chính, có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc.
Tuy nhiên, cha mẹ không nên lấy câu cửa miệng "Nhà mình nghèo lắm/Nhà chúng ta không có tiền" để cấm cản con mua những đồ chúng thích hoặc muốn xin tiền từ cha mẹ, bởi điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý đứa trẻ.
Nếu bạn nuôi dạy con quá nghèo khổ, những đứa trẻ sẽ dễ tự ti; nếu bạn nuôi dạy con quá thừa mứa, trọng vật chất, những đứa trẻ sẽ dễ ỷ lại, suy nghĩ lệch lạc về tiền bạc. Vì vậy, dù nghèo hay giàu, tốt hơn hết là nuôi dạy con bằng tình yêu thương. Việc cha mẹ đồng hành cùng con cái quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.