Thay vì giao bài tập cho học sinh hãy “giao bài tập” cho phụ huynh
Theo thầy Đặng Vũ Hiệp – giáo viên Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên – TP. Hà Nội): “Trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết, phụ huynh hãy cùng con hoàn thành các nội dung bài tập, sắp xếp góc học tập gọn gàng, khoa học để tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ cho học sinh trong ngày khai bút, cảm thấy hứng thú và động lực khi quay trở lại việc học".
Thầy Hiệp cũng cho biết thêm, kỳ nghỉ Tết là cơ hội để phụ huynh dạy con các kỹ năng như: sử dụng đồng tiền sao cho hợp lý, lập kế hoạch chi tiêu, mua sắm và chuẩn bị các món ăn trong ngày Tết, dạy con cách bài trí nhà, mâm ngũ quả, mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tết.
Thầy Đặng Vũ Hiệp – giáo viên Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên – TP. Hà Nội) đón và trò chuyện cùng học sinh. Ảnh Ngô Chuyên.
“Qua những hoạt động đó, học sinh sẽ biết trân trọng những giá trị của ngày Tết và gìn giữ nét đẹp văn hoá trong ngày Tết của dân tộc và cũng là cơ hội để phụ huynh gần gũi, hiểu con mình hơn”, thầy Hiệp nói.
Bước sang ngày mùng 4 Tết, phụ huynh nên cùng con ôn lại kiến thức, đi ngủ đúng giờ và rèn lại nề nếp trước đó, đuổi đi những lo lắng, áp lực con bị hổng kiến thức hay cảm giác không muốn đến trường.
Cùng con có một kỳ nghỉ bổ ích
Nhiều người suy nghĩ, kỳ nghỉ dài ngày làm thế nào để quản lý con mình vừa an toàn, vừa có những trải nghiệm bổ ích, kết thúc thời gian nghỉ, không phải vật lộn với con trong việc đến trường, quay lại nề nếp cũ.
Trước những băn khoăn đó, thầy Nguyễn Tiến Thọ - Trưởng nhóm công tác học sinh – Trường phổ thông liên cấp Phenikaa (TP. Hà Nội) chia sẻ: “Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán phụ huynh có thể bố trí thời gian để cùng con lập một thời gian biểu trong những ngày nghỉ.
Thời gian biểu đó ghi rõ kế hoạch của mỗi thành viên trong gia đình, ngoài những thời gian dành để vui chơi, đi chúc Tết thì phụ huynh có thể gợi ý con bổ sung thêm các hoạt động như rèn luyện thể dục thể thao, làm việc nhà và lên kế hoạch cho việc quay trở lại ôn bài trước khi kết thúc kỳ nghỉ.
Đồng thời, phụ huynh nên dựa trên tâm lý lứa tuổi để lắng nghe những ý kiến, góp ý của con trẻ khi chuẩn bị mua sắm cho gia đình ngày Tết, từ đó để các em có trách nhiệm cùng bố mẹ biến cái Tết trở nên ấm áp, ý nghĩa bằng những hoạt động chung của gia đình.
Thầy Nguyễn Tiến Thọ - Trưởng nhóm công tác học sinh – Trường phổ thông liên cấp Phenikaa (TP. Hà Nội) chia sẻ cùng học sinh. Ảnh NTCC.
Qua đó, phụ huynh và thầy cô hãy lồng ghép những bài học, lời khuyên về cách ứng xử khi được lì xì, khi được mời đi ăn, khi đến nhà có người cao tuổi… Chắc chắn, các em sẽ có thêm nhiều bài học gắn liền thực tiễn cuộc sống.
Thầy Thọ cho biết thêm, đối với nhiều học sinh, sau kỳ nghỉ dài một số kiến thức, kỹ năng và thói quen học tập bị thay đổi… khiến cho nhiều phụ huynh bị ám ảnh khi con không hợp tác, đặc biệt là lứa tuổi mầm non, tiểu học.
Vì vậy những ngày sắp đến trường, phụ huynh nên hướng dẫn con ôn bài. Lưu ý, trong những ngày này không nên bắt con học cường độ cao, chỉ cần học những môn con thấy hứng thú và thích. Khi con đã vào nhịp trở lại, phụ huynh mới gợi ý cho con chuẩn bị bài cho ngày đầu quay trở lại trường.
Bên cạnh đó để con trẻ hào hứng với việc quay trở lại trường, phụ huynh có thể cùng con chuẩn bị những món quà để chia sẻ, tặng bạn bè ngày đầu năm mới, cho phép con mua một vài món đồ con yêu thích để chào đón ngày quay lại trường hoặc cùng con xây dựng một clip chia sẻ về các kỷ niệm trong những ngày Tết của các bạn hay là cảm xúc hào hứng của con khi được quay trở lại trường sau kỳ nghỉ dài…