Phan Trung Hưng, hiện là học sinh lớp 9A5, trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm. Hưng đạt 19,75/20 điểm môn Khoa học Tự nhiên, là mức điểm cao nhất trong tất cả thí sinh tham dự kỳ thi.

Đề thi học sinh giỏi môn Khoa học Tự nhiên, ở phân môn Hóa học, gồm phần trắc nghiệm 6 điểm và tự luận 14 điểm. Hưng nhận xét đề vừa sức, bám sát kiến thức sách giáo khoa và có nhiều câu hỏi thực tế, ví dụ liên quan đến phương pháp Solvay trong sản xuất baking soda hay quy trình điều chế gang thép... Nam sinh có một chút tiếc nuối vì làm chưa trọn vẹn ở một câu hỏi, nên bất ngờ khi trở thành người dẫn đầu.

"Em hài lòng với bài làm, thấy tự hào vì sự cố gắng của bản thân", Hưng nói.

hung-1739286975-5996-1739287902.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-aZ5V6kMLfFuG0UrLm4EJg

Phan Trung Hưng trong giờ nghỉ giải lao tại trường sáng 11/2. Ảnh: Bình Minh

Hưng có ông và bố là giảng viên Hóa tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Vì thế, từ nhỏ, Hưng quan tâm, rồi dần hứng thú với khoa học, đặc biệt là môn Hóa. Em thường được bố giải thích về các hiện tượng trong cuộc sống hay đưa theo đến phòng thí nghiệm, chỉ bảo về các thiết bị, dụng cụ ở đó.

"Em thấy rất lạ và tò mò", Hưng chia sẻ.

Năm lớp 8, khi bắt đầu học về phản ứng hóa học, nam sinh được bố hướng dẫn làm các thí nghiệm đơn giản ở nhà. Hưng nhớ thí nghiệm đầu tiên là "kem đánh răng con voi". Sau khi trộn k-iot, xà phòng, oxy già và một số chất khác, em thích thú thấy bọt phun trào như kem đánh răng.

"Thật kỳ diệu. Bố giải thích đó là do các chất phản ứng với nhau", Hưng nhớ lại.

Cũng từ những thí nghiệm này, Hưng nhận ra tầm quan trọng của sự tỉ mỉ. Em kể có lần làm thí nghiệm về độ lạnh của nitơ lỏng. Vì cho cá ngủ đông trong nitơ lỏng quá lâu, nó không chịu được và chết, trước khi được lấy ra cho vào nước ấm để phục hồi.

Từ sau đó, em luôn ghi nhớ lời bố, rằng để trở thành nhà khoa học, em cần sự kiên trì, chăm chỉ, bình tĩnh và kỹ lưỡng trong các bước làm thí nghiệm. Càng tìm hiểu, Hưng càng ngưỡng mộ bố và muốn theo đuổi ngành này.

Từ học kỳ hai năm lớp 8, em quyết tâm học Hóa, tập trung nghe giảng trên lớp, về nhà xem lại bài, chỗ nào chưa hiểu sẽ nhờ bố giảng giải hoặc tự tìm kiếm thông tin trên mạng.

Hưng thường tranh thủ giờ ra chơi ở lớp để hoàn thành các bài tập về nhà, nên mỗi ngày có thể dành 3-4 tiếng học Hóa. Em thường xem các video phản ứng hóa học trên YouTube để quan sát hiện tượng. Với các chất, Hưng học qua tính chất đặc trưng. Ví dụ NaOH là chất đặc trưng cho bazơ.

Với các phản ứng khó như oxy hóa khử, em sẽ đoán chất, sau đó ghi lại và xem đáp án. Ngoài ra, làm nhiều bài tập và luyện đề giúp em hiểu hơn nguyên lý và giải thích được vì sao các chất phản ứng với nhau.

Khi đã quen và làm tốt các dạng bài, Hưng đẩy nhanh tốc độ, chú ý hơn tới cách trình bày, chữ viết, áp dụng chiến thuật làm tới đâu chắc đến đó. Lúc đầu, với những đề thi trong 120 phút, em làm mất 150 phút, nhưng sau đó cải thiện còn 90-100 phút. Thời gian còn lại, Hưng kiểm tra bài.

Để chuẩn bị cho kỳ thi, Hưng đi học thêm Hóa hai buổi một tuần. Em đặt mục tiêu mỗi ngày làm một đề, kết hợp bài tập chuyên đề. Giai đoạn nước rút, Hưng làm 2-3 đề một ngày nhưng luôn tự nhủ không để bản thân mệt mỏi, vẫn đi ngủ trước 0h.

Nhắc đến Hưng, cô Nguyễn Hà My, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A5, ấn tượng vì sự thông minh, chăm chỉ và niềm đam mê với môn Hóa học. Cô My thường nhìn thấy Hưng tranh thủ từng chút thời gian nghỉ để giải bài tập, say sưa giải thích với bạn bè những kiến thức mới. Em giỏi đều các môn, kết quả học tập luôn trong top của lớp.

"Thành tích thủ khoa của Hưng khiến các thầy, cô hơi bất ngờ song thấy xứng đáng với năng lực và công sức mà em ấy bỏ ra", cô My chia sẻ.

Hưng dự định thi vào lớp chuyên Hóa của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và Chu Văn An. Nam sinh cho biết đang tập trung ôn luyện, tìm cách khắc phục các lỗi về trình bày thường gặp để đạt mục tiêu này.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022