Sáng 7/2, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Nhà giáo, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5.
Ở điều 21, dự thảo quy định những người đã công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và nơi đặc biệt khó khăn từ ba năm trở lên được thuyên chuyển nếu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nơi đến tiếp nhận.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng như vậy nhà giáo chỉ được thuyên chuyển khi cả nơi đi, nơi đến và cơ quan quản lý đồng ý. Điều này là không công bằng với các giáo viên đang cắm bản, hay ở vùng sâu, vùng xa trong nhiều năm.
"Nhiều nơi họ không đồng ý, viện đủ lý do như đủ biên chế, không cần chuyên ngành đó để từ chối. Vì vậy có tình trạng cô giáo cắm bản 10-20 năm không được thuyên chuyển", ông Phương nói.
Ông đề xuất cơ quan quản lý có quyền thuyên chuyển giáo viên từ những nơi này về vùng thuận lợi sau một thời gian nhất định. Ngược lại, nhà nước cũng có thể điều động giáo viên từ miền xuôi lên miền ngược, cơ chế tương tự như trong quân đội, tức cán bộ, chiến sĩ, nhận nhiệm vụ là phải lập tức thi hành.
"Điều động là phải đi, họ là viên chức nhà nước. Không đi là nghỉ việc. Ưu ái nhưng kỷ luật phải nghiêm minh", ông nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tại phiên họp, sáng 7/2. Ảnh: Media Quốc hội
Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng việc điều động giáo viên "là ao ước" của ngành giáo dục. Tuy nhiên, đặc thù của ngành không giống quân đội.
Hiện, viên chức giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương và được phân cấp. Trong đó, cấp mầm non, tiểu học, THCS thuộc cấp huyện, cấp THPT do tỉnh quản lý.
"Hiện nay, địa phương cũng chỉ điều động giáo viên ở huyện khác nhau đối với cấp trung học, còn giáo viên tiểu học huyện này không chuyển sang huyện khác được", ông Sơn nói. Vì thế, dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất giao cho cấp Sở việc điều động giáo viên trong toàn tỉnh là thay đổi mang tính cách mạng.
Theo nghị định 76/2019 của Chính phủ, giáo viên dạy học ở vùng đặc biệt khó khăn được trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở. Ngoài ra, họ nhận phụ cấp ưu đãi nghề bằng 70% mức lương hiện hưởng, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Nếu chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, giáo viên hưởng phụ cấp lưu động 0,2 lần lương cơ sở.
Dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Ban soạn thảo cho biết dự Luật gồm 5 chính sách quan trọng: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Sơn Hà