Em Bùi Thành Việt (SN 2001, Hà Nội), sinh viên khoa Truyền thông quốc tế tại Học viện Ngoại giao đã nhận được chứng chỉ IELTS 8.5 vào cuối năm 2022. Điểm thành phần lần lượt cho các kỹ năng mà Việt đạt được là: Speaking (Nói) - 8.5, Listening (Nghe) - 8.5, Reading (Đọc) - 9.0, Writing (Viết) - 8.5.

Việt chia sẻ, học ngôn ngữ không hề dễ dàng bởi có nhiều thứ cần trau dồi như: Học cách phát âm hay như người bản xứ, tốc độ phản ứng nhanh nhạy, kỹ năng nghe tốt để xem phim không cần phụ đề. Tuy nhiên, những điều này thường dành cho level (cấp bậc) cao (7.5+). Còn với những bạn level dưới (7.0 trở xuống), có một điều mà bắt buộc phải cải thiện, nếu không sẽ không bao giờ bứt phá được, đó là học từ vựng.

Đầu tiên, để học được từ vựng, các bạn phải thực sự ham muốn và quyết tâm. Muốn học từ vựng thể hiện qua một số hành động như: Tiếp xúc với sản phẩm bằng tiếng Anh (phim/nhạc/sách/báo/TikTok) thường xuyên; sau khi tra từ điển sẽ ghi lại ra một cuốn sổ; nhẩm đọc lại sau khi phát âm; đặt các ví dụ minh họa cho bài học,...

Còn nếu bản thân không muốn học từ vựng thì bạn mãi chỉ dậm chân tại chỗ, lúc nào cũng tự ti vì không giỏi tiếng Anh. Từ vựng là chìa khoá để cải thiện kỹ năng Nghe và Đọc. "Không học từ vựng giống như kiểu bạn muốn nấu cơm nhưng không có gạo", Việt so sánh một cách thú vị.

Trước tầm quan trọng của việc học từ vựng, Việt đã chia sẻ cụ thể 3 bước học tập mà em đã áp dụng và đạt được thành tựu.

Bước 1: Incorporate what you dislike into what you like (Kết hợp những gì bạn không thích vào những gì bạn thích)

Các bạn thích điều gì, hãy lồng ghép tiếng Anh vào cái đó. Chẳng hạn nếu bạn thích xem phim, hãy xem phim với phụ đề tiếng Anh. Bạn thích nghe nhạc, hãy nghe nhạc Taylor Swift. Bạn thích đọc sách, hãy đọc những bài báo nhỏ khoảng 200 chữ, đọc về nền giải trí ở Hàn Quốc, chuyện phiếm của US-UK hay về mọi chủ đề mà các bạn thích, miễn là bằng tiếng Anh.

Hay nếu bạn thích lướt TikTok, hãy chuyển sang ngôn ngữ tiếng Anh để sử dụng. Còn nếu bạn đam mê với gym, yoga, skincare (chăm sóc da),... thì hãy thử lên YouTube tìm những video ngắn về những lĩnh vực đó.

Giai đoạn này rất nhiều người sẽ thấy overwhelmed (choáng ngợp). Nhưng thành quả các bạn đạt được sẽ rất lớn nếu kiên trì. Nếu mỗi ngày, các bạn chỉ cần học 2 từ thì sau một năm sẽ tích lũy được khoảng 700 từ vựng mới.

photo-2-1677489481531229372734.jpg

Thành Việt cho rằng, học từ vựng là điều vô cùng quan trọng nếu muốn nâng cao khả năng ngôn ngữ.

Bước 2: Spaced repetition (Lặp lại ngắt quãng)

Khi các bạn gặp một từ mới, làm thế nào để bản thân nhớ lâu từ đó? Trong trường hợp này, một phương pháp mà các bạn phải nắm rõ là "spaced repetition" (lặp lại ngắt quãng). Ý nghĩa của "spaced repetition" chính là "The more often you encounter certain bits of info, the less often you'll need to refresh your memory of it" (gặp càng nhiều càng nhớ dai).

Khi "cày" từ vựng, Thành Việt nhận ra não bộ phải đối diện với 1 chữ 10 lần mới nhớ lâu. Khi hiểu được điều này, cậu bạn tạo ra một chu kỳ học để có thể gặp lại chữ đó càng nhiều càng tốt. Cách này thực hiện cụ thể như sau:

- Lần 1: Khi thấy từ vựng, các bạn hãy ghi từ đó vào vở ngay lập tức. Xin đừng ngại việc pause (tạm ngừng) lại bài nhạc, đoạn phim để ghi. Vì nếu các bạn để từ đó trôi tuột qua đầu mà không ghi lại sẽ rất khó để có thể recall (nhớ lại) lại từ đó vào ngày hôm sau.

- Lần 2: Sau khoảng 12 tiếng, bạn hãy mở vở và ghi lại nghĩa của từ đó bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Bạn cần lưu ý việc phát âm vì nếu lỡ phát âm sai, sau này sẽ rất khó sửa.

- Lần 3: Sau khoảng 24 tiếng, bạn hãy mở vở và lấy ví dụ về từ vựng mình vừa học. Hãy cố gắng lấy ví dụ bằng tiếng Anh. Các bạn có thể mở từ điển Anh - Anh để tra từ hợp văn cảnh.

- Lần 4: Sau khoảng 48 tiếng, bạn mở vở ra và đọc nhẩm lại, visualize (hình dung) một trường hợp thực tế mình có thể dùng từ đó.

- Lần 5: Sau khoảng 96 tiếng, hãy mở vở ra và tự kiểm tra bản thân. Bạn cần nghiêm túc lấy tay che nghĩa tiếng Việt và cố gắng nhớ nghĩa của từ đó.

- Lần 6: Sau khoảng 1 tuần, bạn hãy tự mở vở ra và lướt lại trong tuần vừa rồi mình đã học những gì, tra từ điển và lấy thêm lại ví dụ của từ đó nếu cần thiết.

photo-1-16774894769101913224780.jpg

"Spaced repetition" là cách học hiệu quả trong việc nhớ từ vựng.

Có nhiều bạn sẽ học từ vựng theo nhiều kiểu khác. Chẳng hạn như học bằng cách chép đi chép lại từ đó 2-3 dòng hay nhiều hơn, học bằng âm thanh, học bằng hình ảnh. Những cách học truyền thống chắc chắc vẫn hiệu quả nhưng theo mình sẽ không nhớ "lâu" và "dai" bằng spaced repetition (lặp lại ngắt quãng). Bởi những phương pháp rote memorization (học vẹt) sẽ không giúp các bạn thực sự hiểu từ vựng.

Có một phương pháp để vừa học mặt chữ, vừa hiểu được ý nghĩa là viết một câu chuyện với những từ mình cần nhớ. Ví dụ, mình cần học 5 chữ "memory" (ghi nhớ), "window" (cửa sổ) và "purple" (màu tím), "tree" (cây), "flowers" (hoa) mình sẽ viết một câu chuyện như sau: "Nếu trí nhớ (memory) của mình là đúng, căn phòng cũ của mình có cửa sổ (window) là màu tím (purple). Qua cửa sổ, mình có thể thấy rất nhiều cây cối (tree) và hoa (flower)".

Tạo dựng câu chuyện cốt là để khiến bản thân làm quen với cách sử dụng trong thực tế của từ vựng. Não bộ của chúng ta thích những câu chuyện, vì thế việc gắn liền từ vựng với câu chuyện cũng là một cách học hiệu quả.

Bước 3: Ghi nhớ

Thi thoảng, bạn cần mở quyển sổ từ vựng của mình tại trang bất kỳ, nhìn vào một từ và kiểm tra bản thân xem có nhớ được nghĩa của từ đó. Nếu không nhớ, bạn hãy ghi lại từ vựng đó thêm một lần nữa.

Khi các bạn cố gắng thấy một từ nhiều lần trong cuộc sống, việc học từ vựng sẽ rất nhanh và nhẹ nhàng. Bản thân mình nếu muốn học từ gì đó, mình sẽ viết ra giấy rồi dán khắp phòng, dán vào gương, vào màn hình máy tính, tivi và tủ quần áo, thậm chí làm "widget" (ứng dụng hiển thị nội dung) lên màn hình điện thoại. Hay nói cách khác, mình cần cố gắng thấy từ đó càng nhiều lần càng tốt.

Ngoài ra, bạn nên dùng những công cụ bên ngoài để hỗ trợ, khiến việc học nhẹ nhàng hơn. Mình thường hay dùng những trang web sau:

- Playphrase.me (Giúp các bạn tra những đoạn clip có sử dụng từ vựng mà mình đang muốn tra. Bạn có thể trau dồi cả kỹ năng Nghe vì có phụ đề).

- https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/ (Đây là từ điển mà mình đánh giá là tuyệt nhất. Với từ điển này, các bạn có thể tra được phát âm của cả Anh - Anh, Anh - Mỹ, tra ví dụ, phrasal verbs (cụm động từ), idioms (thành ngữ). Mình đánh giá từ điển này đạt điểm 10/10).

- Ludwig.com (Tra cụm từ trong một câu văn hoàn chỉnh).

- Ozdic.com (Tra cụm từ đó thuộc loại từ nào).

Còn về "app" (phần mềm) học từ vựng, mình khuyên bạn nên sử dụng: Spaced repetition, Tflat, Elevate, Duolingo.

Về trang web kiểm tra từ vựng, có một số trang như:

- 2000 từ thông dụng nhất trong giao tiếp: https://www.talkenglish.com/voca.../top-2000-vocabulary.aspx.

- 570 từ vựng học thuật bắt buộc phải có: https://www.examenglish.com/vocabu.../academic_wordlist.html.

- Kiểm tra mình biết bao nhiêu từ: http://vocabulary.ugent.be.

Tóm lại, việc học từ vựng là cả một quá trình. Nếu bạn học tốt thì giai đoạn sau, bạn học tiếng Anh sẽ rất đơn giản. Bài thi IELTS là bài kiểm tra ngôn ngữ, mà thứ tạo ra ngôn ngữ chính là từ vựng.

Ảnh: NVCC

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022