Hiện có 8 trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh. GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi về những điểm mới và công tác tổ chức kỳ thi.

Học sinh không cần học thêm

- Năm 2022, Trường ĐH sư phạm Hà Nội cũng tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực. So với năm ngoái, năm nay kỳ thi này có gì mới, thưa Giáo sư?

- Năm ngoái, Kỳ thi đánh giá năng lực chỉ là một phương thức để nhà trường xét tuyển. Năm nay, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực. Do đó, các trường đào tạo giáo viên trên toàn quốc có thể sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh (nếu có nhu cầu). Hiện đã có 8 trường xác nhận sử dụng kết quả kỳ thi này như một phương thức để xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy.

- So với các kỳ thi riêng của một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức, Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có gì ưu việt?

- Không một phương thức tuyển sinh nào là tốt tuyệt đối. Mỗi phương thức đều có ưu, nhược điểm. Chúng ta phải khẳng định, các kỳ thi riêng do các cơ sở giáo dục đại học khác tổ chức đã làm rất tốt. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành sư phạm nên chúng tôi quyết định tổ chức một kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực để tuyển sinh nhằm tuyển sinh được những sinh viên phù hợp với đặc thù của nhà trường nói riêng và các trường sư phạm nói chung.

Năm học 2022 - 2023, Chương trình GDPT 2018 đã triển khai tới lớp 3, lớp 7, lớp 10. Điều này tạo ra sự dịch chuyển đáng kể trong cách dạy, cách học, thiên về truyền đạt, tiếp thu kiến thức sang chú trọng tổ chức hoạt động học tập tích cực, tự lực và sáng tạo của học sinh. Theo đó, các hoạt động kiểm tra, đánh giá cũng dần đổi mới theo hướng đánh giá năng lực. Học sinh đã dần quen với các đề kiểm tra, đề thi đánh giá năng lực. Như vậy, việc tổ chức kỳ thi phục vụ tuyển sinh đại học dựa trên các bài thi đánh giá năng lực gắn với các môn học ở cấp THPT là phù hợp với thực tiễn đổi mới giáo dục hiện nay.

Ngoài ra, yêu cầu đặt ra đối với các trường đại học trong công tác tuyển sinh năm 2023 là, hoàn thiện đề án tuyển sinh, trong đó đặc biệt lưu ý các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành. Các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình GDPT 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần phù hợp với mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung, cấu trúc của Chương trình GDPT mới.

Như vậy, việc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội xây dựng và triển khai đề án “Tổ chức kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực để xét tuyển đại học hệ chính quy” có tính cấp thiết cao, góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh đại học trong cả nước. Tham gia Kỳ thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức, học sinh không cần học thêm.

photo-1-167748648674957256362.jpg

GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: TG

Cảnh báo giảng viên

- Từ năm 2025 trở đi, định hướng đề thi Kỳ thi đánh giá năng lực của nhà trường sẽ thế nào, thưa Giáo sư?

- Khi học sinh học hoàn thiện một chu trình của Chương trình GDPT 2018; tức là từ năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình GDPT 2018, thì nhà trường sẽ có những điều chỉnh để thích ứng. Năng lực của người học không phải do môn học hình thành. Để hình thành năng lực thì cần có các lĩnh vực khác nhau. Cho nên, trường sẽ có những thay đổi dần để phù hợp với thực tiễn khách quan. Tuy nhiên, muốn thay đổi cần nghiên cứu cẩn thận, kỹ lưỡng và có căn cứ lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm, sau đó mới đưa ra phương án cụ thể.

- Nhiều người quan ngại, sẽ có trung tâm mượn danh giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để tổ chức luyện thi. Giáo sư có quán triệt gì với đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là đội ngũ ra đề thi?

- Thứ nhất là, nếu việc làm mà đội ngũ cán bộ, giảng viên không vi phạm pháp luật thì không can thiệp được. Thứ hai, cảnh báo với cán bộ, giảng viên trong trường đừng nhân danh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khi làm những việc thuộc lợi ích cá nhân, việc không được làm. Tôi cũng khuyến cáo thí sinh, phụ huynh, không ai nhân danh giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để tổ chức luyện thi đánh giá năng lực. Nếu có, đừng tin vào điều đó, hãy tin vào thực lực bản thân.

Tôi nhắc lại, tham gia Kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức, thí sinh không cần qua “luyện lò”. Các giảng viên có thể tham gia ra soạn thảo đề thi nhưng không có nghĩa sẽ dùng đề thi của giảng viên đó. Nhà trường có quy trình rất chặt chẽ. Trước hết, tập trung độc lập tất cả thầy cô trong tổ soạn thảo đề thi để phân nguồn.

Sau đó, độc lập hoàn toàn việc thẩm định đề để xây dựng ma trận đề thi. Tiếp đến chuẩn hóa và cho vào ngân hàng đề thi. Khi có ngân hàng đề thi, trường có thể lấy các tổ hợp ngẫu nhiên, không phải đề thi của cá nhân nào. Thực tế, có rất nhiều thầy, cô ra đề thi nên không ai có thể liên kết với bên ngoài để tổ chức luyện thi cho học sinh.

- Xin cảm ơn Giáo sư!

"Kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2023 sẽ diễn ra vào ngày 6/5/2023. Thời gian đăng ký dự thi từ 20/2 đến 9/4. Thí sinh dự thi tại 2 điểm là: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Quy Nhơn. Chúng tôi cũng đã thống nhất, sẽ công nhận chéo kết quả kỳ thi riêng với Trường ĐH Sư phạm TPHCM" - GS. TS Nguyễn Văn Minh.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022