Phước là cựu học sinh trường THPT Nguyễn Huệ, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nam sinh cho biết thích vẽ từ lớp 3, nhưng đến năm lớp 11, em mới được anh trai định hướng theo ngành kiến trúc.

"Từ đây, em bắt đầu hành trình luyện vẽ với mong muốn trở thành kiến trúc sư, nghề có thể thiết kế những công trình tráng lệ, tô điểm cho đất nước", Phước cho hay.

anh-1-jpeg-5278-1720083378-172-8746-5115-1720997409.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=r4bZB47wpCvhstt4_dHZvg

Phước (bên trái) trong lễ trưởng thành ở trường THPT Nguyễn Huệ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm nay, Phước đăng ký xét tuyển bằng khối V02 (Toán, Tiếng Anh, Vẽ mỹ thuật) vào trường Đại học Kiến trúc TP HCM và Đại học Khoa học Huế.

Nam sinh cho hay trước đó học trực tiếp 5 buổi mỗi tuần, học online ba buổi. Mỗi buổi thường kéo dài khoảng 2-3 tiếng. Với môn Toán và Tiếng Anh, ngoài học trên trường, nam sinh cũng học thêm, tranh thủ luyện đề khi có thời gian rảnh.

"Em vốn học khá môn toán, thích giải những bài khó nên đã cày đề từ hè lớp 11. Môn Anh em học cũng ổn, còn vẽ là sở trường. Em được tiếp xúc với nhiều thể loại từ sớm nên thường xem các anh, chị vẽ bài rồi tự học hỏi", Phước nói.

Trước ngày thi 3 tháng, Phước đặt mục tiêu vẽ từ 3 bài mỗi tuần trở lên. Mỗi ngày, nam sinh dành ít nhất 3 tiếng để vẽ, có ngày hơn 10 tiếng. Sau khi hoàn thành, em nhìn lại bài và tự đánh giá. Qua đó, Phước rèn tính cẩn thận, rút kinh nghiệm ở các bài làm sau.

Những ngày cuối, Phước vẽ đúng theo thời gian thi thật để biết cách phân bổ thời gian cho hợp lý.

Anh-3-jpeg-2456-1720083378.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zS0uAVg-aQlt6570eXwtcw

Bài thi đạt 9,5 điểm, được Phước vẽ lại theo trí nhớ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Là người dạy vẽ của Phước ở Huế, thầy Lê Thụy Bảo Lộc đánh giá nam sinh có niềm đam mê và kiên trì với mỹ thuật.

"Em chăm chỉ và nghiêm túc, rất nỗ lực. Phước tham gia đầy đủ các buổi học, những tháng hè, em cũng không nghỉ buổi nào", thầy nói.

Từ Huế, Phước chuẩn bị hành lý, dụng cụ cần thiết và đến TP HCM trước 10 ngày. Em đi cùng các bạn lớp vẽ online, mọi người cùng thuê và san sẻ tiền phòng để tiết kiệm.

"Lớp online có cơ sở học trực tiếp ở TP HCM. Những hôm cuối, mọi người ngồi vẽ đến khuya, có khi tới 3-4 giờ sáng, về phòng chợp mắt vài tiếng rồi lại tới lớp vẽ", Phước nhớ lại.

Đến ngày thi, Phước dậy từ 3 giờ để tay hồi phục sau giấc ngủ, luyện nét cho mượt với mong muốn làm bài tốt nhất. Em tới điểm thi lúc 5 giờ, sắp xếp dụng cụ vẽ và ổn định tâm lý.

Khi bắt đầu bấm giờ, Phước dành 3-5 phút để nhìn tượng, xác định những yếu tố đặc biệt và đo đạc tỷ lệ. Tiếp theo, em dựng khung hình theo tỷ lệ đã đo, canh bố cục bài vẽ sao cho cân đối, chốt nét và dựng những chi tiết nhỏ như mắt, mũi, râu...

Kế đến, Phước phân sáng tối để tượng hợp lý với mắt người nhìn, lên sắc độ lần lượt từ ngũ quan - phần chính - phần tóc - bóng đổ ở cổ - phần đế - phần phụ và phần nền, phần sáng của tượng. Cuối cùng, Phước xem lại cẩn thận và chỉnh sửa các chi tiết chưa đạt.

"Bước khó nhất khi vẽ tượng là lên sắc độ phần sáng. Chất riêng của tác giả trong một bài tượng toát lên ở phần này. Em dành khoảng 1/4 thời gian làm bài để lên phần sáng tượng", Phước chia sẻ.

Sau 4 tiếng làm bài, nam sinh cảm thấy nhẹ nhõm và rất ưng ý với tác phẩm. Em nhắm chừng sẽ được 9-9,5 điểm.

"Dù thế, nhưng khi nhận điểm em rất bất ngờ. Em lập tức khoe với ba mẹ, thầy, cô. Những cảm xúc, kỷ niệm, bài vẽ, nét chì cứ thế ùa về", Phước kể.

Thầy Bùi Quốc Đạt, giáo viên lớp vẽ online của Phước, ấn tượng với nét vẽ của nam sinh Huế ngay từ đầu.

"Buổi đầu học trực tiếp ở TP HCM, do bị ngợp không gian nên Phước làm bài chỉ đạt 6-7 điểm. Chiều hôm đó, Phước lấy lại phong độ và bộc lộ khả năng. Lúc ấy, tôi tin em có thể đạt 8,5-9,5 điểm", thầy cho biết.

Phước nói kiên trì là điều em đã tâm niệm từ khi bắt đầu bén duyên với màu chì và nét bút. Nam sinh sẽ tiếp tục cố gắng để chinh phục những mục tiêu khác trong tương lai.

Kỷ Hương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022