AECC, tổ chức tư vấn du học toàn cầu, cuối tháng 3 công bố kết quả khảo sát hơn 8.300 du học sinh tương lai từ 124 quốc gia về điểm đến mong muốn. Theo đó, khoảng 15,5% số người cho biết đã thay đổi nơi học tập ưa thích trong 12 tháng qua. Mức độ quan tâm đến New Zealand, Đức và Mỹ tăng lần lượt 86%, 36% và 13%, trong khi tỷ lệ này đối với Australia, Anh và Canada giảm 9-32% so với ban đầu.

Ba yếu tố phổ biến khiến họ thay đổi là chi phí học tập (24%), cơ hội việc làm (19%) và chính sách với sinh viên quốc tế (14%).

Nghiên cứu của AECC cũng cho biết chất lượng giáo dục và cơ hội việc làm là động lực chính khi du học, với 38,2% và 25,3% người lựa chọn.

Khi được hỏi về dự định sau tốt nghiệp, quá nửa số người được khảo sát (56%) muốn làm việc ở nước sở tại và 28% hy vọng được định cư. 79% sinh viên nói quyền làm việc sau tốt nghiệp là cực kỳ quan trọng khi cân nhắc du học.

Ngoài ra, khoảng 20% du học sinh tương lai đã thay đổi ngành học dự tính trong 12 tháng qua. Họ chuyển qua các ngành về Kinh doanh và Quản lý, Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin, Sức khỏe và Y học, rời bỏ các ngành Kỹ thuật, Nhân văn, Thiết kế, Tài chính kế toán. Hơn 52% cho biết nguyên nhân là các ngành học nói trên có thể tìm việc lương cao. Các lý do còn lại là cơ hội định cư tốt hơn, gia đình, chi phí học tập và bạn bè.

346968737-517420667112832-3457-3855-7965-1713690287.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iTLPyVdtlujRfv-5_emRRw

Sinh viên Đại học Heidelberg, Đức trong lễ tốt nghiệp, năm 2023. Ảnh: Heidelberg University Fanpage

Trước đó, trong nghiên cứu "Tiếng nói của sinh viên quốc tế" do IDP thực hiện hồi tháng 1 tại 67 quốc gia, với 2.500 người tham gia, gần một nửa (49%) nói sẽ suy nghĩ lại hoặc không chắc chắn về kế hoạch du học Anh. Số người do dự đến Australia và Canada lần lượt là 47% và 43%.

Những nước này có nhiều động thái siết thị thực và việc làm của sinh viên quốc tế, từ giữa năm ngoái, trong bối cảnh lượng nhập cư tăng mạnh, gây sức ép lên nhà ở.

Canada cho biết sẽ giảm 35% lượng du học sinh được cấp phép năm nay, không cấp giấy phép việc làm cho sinh viên các trường liên kết công - tư. Australia tăng yêu cầu tài chính, tiếng Anh, dùng bài kiểm tra mới để xác định động cơ học tập của sinh viên quốc tế. Nước này cũng giảm thời gian ở lại sau tốt nghiệp với sinh viên một số ngành, nghề. Còn Anh bắt đầu rà soát các chương trình thị thực việc làm của du học sinh từ tháng trước.

Trong khi đó, Đức nới hàng loạt quy định với du học sinh và người lao động, tăng thời gian làm thêm, hạ tiêu chuẩn ngôn ngữ với nhóm du học nghề. Quốc gia này đã tăng hơn 50% sinh viên quốc tế so với 10 năm trước, do miễn học phí, chi phí sinh hoạt rẻ, cơ hội việc làm rộng mở.

New Zealand và Mỹ hầu như không đưa ra thay đổi chính sách với sinh viên quốc tế. Song New Zealand hấp dẫn do học phí rẻ (20.000-25.000 NZD, tương đương 350 triệu đồng một năm), còn Mỹ có chất lượng giáo dục đại học hàng đầu thế giới. Cả hai cho phép du học sinh ở lại sau tốt nghiệp tối đa 36 tháng, tùy ngành học.

Số lượng du học sinh đến New Zealand đạt hơn 59.000 năm ngoái, tăng hơn 40% so với năm trước đó. Mỹ tuy từ chối thị thực du học kỷ lục vào năm 2023, nhưng vẫn thu hút một triệu sinh viên quốc tế.

Doãn Hùng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022