Sắc lệnh hôm 23/4 yêu cầu Bộ Giáo dục và Bộ Lao động Mỹ tạo cơ hội để học sinh trung học phổ thông được tham gia khóa học và chương trình cấp chứng chỉ về AI. Cùng đó, hai bên phối hợp với các bang nhằm thúc đẩy giáo dục AI.
Ông Trump cũng chỉ đạo Bộ Giáo dục ưu tiên ứng dụng AI trong các chương trình tài trợ đào tạo giáo viên, Quỹ Khoa học quốc gia ưu tiên với nghiên cứu ứng dụng AI trong giáo dục, còn Bộ Lao động mở rộng chương trình thực tập liên quan.
"Đây là một việc lớn bởi vì AI dường như chính là tương lai", USA Today dẫn lời ông Trump phát biểu trước khi ký sắc lệnh tại Nhà Trắng.
Ngoài ra, Tổng thống Trump còn thành lập nhóm Công tác về Giáo dục AI tại Nhà Trắng, nhằm khuyến khích sử dụng AI trong lớp học. Nhóm này còn có trách nhiệm thiết lập các quan hệ đối tác công - tư để cung cấp tài nguyên, hỗ trợ giáo dục AI tại các trường học từ mẫu giáo đến lớp 12.

Ảnh: Trường Tiểu học Anne Sullivan, Mỹ
Trước Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước châu Âu nỗ lực đưa AI vào chương trình giáo dục. Theo The Economic Times, hồi giữa tháng 3, Trung Quốc đưa AI vào bậc tiểu học và trung học, như một phần của chiến lược dài hạn để tăng cường vị thế. Học sinh từ 6 tuổi sẽ được học ít nhất 8 giờ mỗi năm về AI, bao gồm việc sử dụng chatbot, hiểu khái niệm cơ bản và đạo đức AI.
Cuối năm ngoái, Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố sách giáo khoa AI nhằm cá nhân hóa việc học, thông qua các ứng dụng trên máy tính bảng. Chương trình được thí điểm ở một số khối lớp trong hệ thống trường công, với ba môn học.
Theo công bố hôm 20/3, khoảng 30% trường tiểu học trên toàn quốc đã sử dụng sách giáo khoa số tích hợp AI. Giới chức dự kiến đến năm 2028 sẽ mở rộng việc này ở mọi cấp học và hầu hết môn bắt buộc, trừ mỹ thuật, âm nhạc, thể dục và đạo đức.
Bình Minh (Theo USA Today, The Economic Times, The Straits Times)