Không phải chỉ sinh viên ngành Sư phạm ra trường mới làm trong lĩnh vực giáo dục. Nếu bạn yêu thích môi trường giáo dục nhưng cảm thấy mình không phù hợp làm giáo viên, giảng viên thì bạn có thể cân nhắc học ngành Quản lý giáo dục. Trong xu thế phát triển giáo dục như hiện nay, Quản lý giáo dục được đánh giá là ngành học phát triển, giàu tiềm năng với mức thu nhập ổn định.
NGÀNH QUẢN LÝ GIÁO DỤC LÀ GÌ?
Ngành Quản lý giáo dục là tổng thể các hoạt động giám sát, quản lý và thanh tra, đánh giá các hoạt động giáo dục tại nhà trường hay các cơ sở đào tạo khác. Quản lý giáo dục đảm bảo các quy định của Bộ, ban, ngành được thực hiện nghiêm túc, mang đến môi trường học tập tốt nhất, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học.
Quản lý giáo dục được đánh giá là ngành học phát triển, giàu tiềm năng với mức thu nhập ổn định. (Ảnh minh họa)
Chương trình học của sinh viên chuyên ngành Quản lý giáo dục tập trung vào đào tạo kiến thức về quy trình đạt tiêu chuẩn, tâm lý giáo dục, thực hành công tác quản lý từ các cấp đến trường học, hỗ trợ tối đa cho nhà trường cho dù theo cơ cấu, quy mô nào. Kiến thức chuyên ngành đều được nghiên cứu và giảng dạy theo hệ thống để mang lại hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, khi theo học ngành Quản lý giáo dục, sinh viên còn học về Luật, quy định của nhà nước.
Nhà quản lý giáo dục luôn phải đưa ra các phương pháp, kế hoạch để đổi mới và cải tiến trong công tác giáo dục. Nếu trong hoạt động giáo dục mà thiếu ngành nghề này thì việc cải tiến chỉ có thể hoàn thành một phần nào đó hoặc không đặt mục tiêu. Chính vì vậy mà nhà quản lý luôn là người phải sắp xếp tất cả mọi công việc được chỉn chu nhất.
CƠ HỘI VIỆC LÀM VÀ MỨC THU NHẬP
Sau khi ra trường với bằng cử nhân chuyên ngành Quản lý giáo dục cùng kỹ năng, năng lực của bản thân, bạn có thể đảm nhiệm những vị trí công việc như:
- Chuyên viên quản lý hành chính giáo dục.
- Chuyên viên văn phòng.
- Chuyên viên quản lý đào tạo.
- Nhân viên/chuyên viên hành chính nhân sự.
- Chuyên viên phụ trách công tác văn hóa giáo dục.
- Cán bộ nghiên cứu giáo dục.
- Giảng viên chuyên ngành Quản lý giáo dục.
- Nhân viên/chuyên viên tư vấn tuyển sinh.
Khi học ngành Quản lý giáo dục, bạn có cơ hội theo đuổi nhiều nghề nghiệp khác nhau nên rất khó để nói về mức lương chung cho nhân sự ngành này. Tuy vậy, có thể khái quát rằng nếu làm trong các phòng giáo dục hay trường học, cơ quan nhà nước thì thu nhập của bạn sẽ tăng theo bậc lương của Nhà nước và tăng dần theo thâm niên. Mức lương khởi đầu khoảng 4 - 6 triệu đồng/tháng và dần dần lên 7 - 10 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, những ai làm việc bên ngoài, mức lương sẽ cao hơn đáng kể. Chẳng hạn như, chuyên viên đào tạo có thể nhận 8 - 12 triệu đồng/tháng, cao hơn là 15 triệu đồng/tháng. Nhân viên tư vấn khóa học, tư vấn du học có lương khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng và hoa hồng theo doanh số nên tổng thu nhập có thể lên đến 20 triệu đồng/tháng.
Ảnh minh họa.
KỸ NĂNG, PHẨM CHẤT CẦN CÓ CỦA NGƯỜI LÀM QUẢN LÝ GIÁO DỤC
Học Quản lý giáo dục, làm việc trong môi trường nghiêm túc, quy chuẩn, bạn không chỉ cần kiến thức mà phải có kỹ năng, phẩm chất để sau này có thể thích nghi với một môi trường mô phạm. Ngoài sự bình tĩnh, kiên nhẫn, cư xử chuẩn mực thì bạn cần phải rèn luyện các kỹ năng như:
- Kỹ năng quản lý, có tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật tốt.
- Khả năng chịu áp lực tốt và thích nghi cao.
- Kỹ năng ngoại ngữ và tin học.
- Kỹ năng giao tiếp.
- Khả năng xử lý tình huống và phán đoán sự việc.
- Khả năng điều khiển và nắm bắt tâm lý con người.
- Có sự chăm chỉ, cần cù và kiên trì.
CÁC TRƯỜNG ĐÀO TẠO NGÀNH QUẢN LÝ GIÁO DỤC
Có rất nhiều trường Đại học, Cao đẳng có đào tạo chuyên ngành Quản lý giáo dục. Các bạn hoàn toàn có thể đưa ra sự lựa chọn cho mình để có một môi trường học tập tốt nhất. Dưới đây là danh sách một số trường đào tạo ngàn Quản lý giáo dục trên cả nước:
- Học viện Quản lý giáo dục.
- Đại học Thủ đô Hà Nội.
- Đại học Sư phạm Hà Nội.
- Đại học Vinh.
- Đại học Sư phạm TPHCM
- Đại học Sài Gòn.
- Đại học Quy Nhơn.