Giờ học tiếng Việt, lớp 1B, trường Tiểu học Sơn Ba huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) líu lo tiếng trẻ nhỏ đọc bài, Đinh Văn K'Rể lọt thỏm giữa những bạn cùng lớp, khó nhọc cầm viên phấn nhỏ viết lên bảng những chữ O không tròn trịa.
Mắc chứng bệnh hiếm gặp - Seckel (người lùn, đầu chim), Đinh Văn K'Rể đã 8 tuổi nhưng chỉ cao 58 cm, nặng 3,9 kg. Chuyện đến trường của em như một điều không tưởng nhưng đã thành hiện thực nhờ nỗ lực của thầy Đinh Văn Cương - Hiệu trường trường Tiểu học Sơn Ba.
Nhà Đinh Văn K'Rể ở thôn Gò Da, nơi bị dòng sông Re chia cách, phải đi xe máy gần một giờ rồi thêm hai giờ băng rừng mới đến được. Năm 2013, trong một lần đến thăm Gò Da, thầy Cương bị ấn tượng bởi cậu bé có gương mặt sáng với thân hình bé nhỏ.
Hình ảnh của K'Rể lưu lại trong tâm trí thầy, bỗng một ngày được nhắc lại khi em nằm trong danh sách tuyển sinh vào lớp 1 của trường. "Vì thân hình nhỏ bé, nên cha mẹ không dám cho em đi học", thầy Cương kể.
Để xua đi sự ngại ngần đó, thầy Cương cả quyết: "Hãy cho em ở với tôi một ngày, nếu ở được thì tôi xin em đến học ở trường". Thế rồi K'Rể đã ở với thầy một tuần, rồi ở lại từ đầu năm học 2016 đến nay.
Những ngày đầu nội trú, K'Rể còn rụt rè với các bạn. Để tiện chăm sóc em, thầy hiệu trưởng sắp xếp một chiếc giường nhỏ, một giá treo quần áo, một góc để cặp sách cho em trong phòng của mình.
"K'Rể muốn ở với tôi. Nhưng mục đích của nhà trường là để em hòa nhập với các bạn cùng lứa. Nên tôi để K'Rể ở chung phòng và sinh hoạt, ăn uống như các em khác, chỉ khi nào ốm đau mới để em ở cùng", thầy Cương nói và cho biết, trong thâm tâm, ông vẫn mong em học văn hóa như các bạn.
Cậu bé tí hon trong ngày được thầy Cương vận động đến trường. Ảnh: Thạch Thảo |
Hôm ấy, K'Rể được bạn cho ăn mì tôm và xu xoa trong giờ ra chơi, vì không quen nên em nôn thốc nôn tháo. Thầy Cương ôm em từ nhà ăn nội trú về phòng cho uống thuốc, tắm rửa.
Vừa mặc quần áo cho K'Rể, thầy chia sẻ: "Những ngày đầu về trường, khó khăn nhất là em không có size quần áo nào mặc vừa. Đích thân tôi và các thầy cô phải đi đặt riêng quần áo ở nhà, đồng phục, dép cho em".
Với cánh tay yếu ớt, ban đầu K'Rể chỉ đi vệ sinh "tự do" rồi chờ thầy tắm rửa, nhưng sau một năm, em có thể tự đi khi mặc quần áo mỏng, nếu không tự đi được thì ra dấu với thầy.
"Tôi ở nội trú cả tuần mới về một lần. Ở nhà thì chăm sóc con, ở trường thì chăm sóc K'Rể cũng như con của mình vậy", người thầy nói khi ôm cậu học trò nhỏ vào lòng.
Để cậu bé tí hon có chỗ ngồi vừa vặn, thầy xin một miếng gỗ đôn chiếc ghế em ngồi lên cao. Thầy hiệu trưởng và các giáo viên đã dìu bàn tay bé nhỏ của K'Rể cặm cụi trên mặt bảng với từng chữ cái. Mỗi khi thực hiện được một bài tập, thầy lại khen K'Rể bằng tiếng H'Re - ga lem (đẹp lắm).
K'Rể trở thành mối quan tâm thường trực của thầy. Vì mỗi khi rời xa, thầy Cương lại lo em không có người chăm sóc. Những ngày mưa gió, đường trên núi Gò Da lầy lội khiến cha mẹ em không thể đón con, cuối tuần thầy đưa K'Rể về nhà. "Hai con tôi rất quý K'Rể, tuần nào không đưa em về nhà, các con lại hỏi sao ba không đưa anh tí hon về chơi", thầy cười bảo.
Cuối năm 2016, thầy Cương là một trong hai giáo viên ở Quảng Ngãi được Bộ Giáo dục và Đào tạo mời ra dự chương trình Thay lời tri ân, tôn vinh các thầy cô giáo tiêu biểu trong cả nước. Thầy đưa K'Rể đi cùng với nguyện vọng đưa em đến Bệnh viện Nhi Trung Ương để được các y, bác sĩ đầu ngành thăm khám.
Kết quả, K'Rể mắc chứng Seckel, người lùn, đầu chim hiếm gặp, trên thế giới chỉ có khoảng 10 ca được ghi nhận.
Trong chuyến đi này, đích thân Phó chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã gặp hai thầy trò và vận động quyên góp cho K’Rể hơn 24 triệu đồng. "Các nhà hảo tâm đã đóng góp cho K'Rể 30 triệu đồng. Tôi đến ngân hàng gửi tiết kiệm cho em và nói rằng đây là tài khoản chỉ nộp vào chứ không được rút ra", thầy Cương dí dỏm.
Không chỉ đóng vai một người thầy, người cha, thầy Cương còn là bạn với K'Rể trong những trò chơi như đá banh, hay bắn bi. "K'Rể là đứa trẻ hiếu động và tình cảm. Tuy không nói được nhưng cảm xúc của em cũng giống như bao đứa trẻ khác, ai thương em thì em thương lại thôi", thầy nói khi K'Rể hôn thầy vào má.
Cậu bé tí hon hơn 3 kg được thầy hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Ba trực tiếp chăm sóc, dạy học. Ảnh: Thạch Thảo. |
Vận động học sinh ở nội trú
Cuối năm 2009, cơn bão số 9 cuốn phăng các phòng học bằng tre nứa ở thôn Gò Da. Đây là nơi có 3 giáo viên cắm bảng với 15 học sinh lớp 1-5. Thầy Đặng Văn Cương đã xin ý kiến Phòng Giáo dục huyện Sơn Hà đưa các em về trường ở chung trong 3 phòng nhà ở công vụ cùng các thầy cô. Thầy Cương vận động các giáo viên và các nhà hảo tâm đóng góp để có tiền nuôi các em. Đến năm 2011, 5 phòng cho giáo viên và học sinh cùng sinh hoạt được xây dựng. Năm 2013, các em được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 116 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để cải thiện dinh dưỡng cho học trò, thầy Cương thực hiện mô hình "nông trại" 500 m2 trong trường, nơi thầy cô và học sinh cùng trồng rau, nuôi gà, heo. Hiện, trường Tiểu học Sơn Ba có 430 học sinh. Trong đó, 279 em được hưởng chế độ bán trú; 37 học sinh ở nội trú, với 4 em mồ côi. Sơn Ba là xã miền núi xa xôi nhất của huyện Sơn Hà, phần đông dân số là đồng bào dân tộc H'Re, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Việc thầy Cương vận động phụ huynh đưa các học trò thôn Gò Da về trường nội trú đã giúp các em rút ngắn đường đến trường, tiếp cận với tri thức. |
Thạch Thảo