Võ Đại Nguyên, sinh năm 1999, Hà Nội, là cựu sinh viên chương trình tiên tiến ngành Quản lý Tài nguyên thiên nhiên của trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam. Đầu năm nay, Nguyên trúng tuyển ba chương trình của học bổng Erasmus Mundus (học bổng của Liên minh châu Âu), gồm: SUFONAMA (Thạc sĩ Quản lý Rừng và Thiên nhiên bền vững); EF (Thạc sĩ Lâm nghiệp Châu Âu) và MEDfOR (Thạc sĩ Quản lý Rừng và Tài nguyên thiên nhiên Địa Trung Hải). Với học bổng này, em nhận hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí khoảng 50.000 euro (gần 1,3 tỷ đồng) cho hai năm học.

Nguyên đã chọn học bổng SUFONAMA. Chàng trai Hà Nội cho biết việc lựa chọn học bổng căng thẳng hơn so với việc chuẩn bị hồ sơ và chờ kết quả. Dưới đây là chia sẻ của Nguyên về bốn yếu tố cần cân nhắc khi chọn học bổng.

Giá trị của tấm bằng

Theo Nguyên, tấm bằng thạc sĩ rất quan trọng với mục tiêu và công việc trong tương lai. Học bổng Erasmus Mundus ngành Lâm nghiệp cho phép ứng viên học tại 2 trong số 5 quốc gia có trường nằm trong chương trình học bổng. Chẳng hạn, Nguyên đã cân nhắc Anh và Đức của chương trình SUFONAMA; Phần Lan và Áo của chương trình EF; Ý và Tây Ban Nha của chương trình MEDfOR.

Qua tìm hiểu, Nguyên đánh giá Phần Lan và Đức là hai nước hàng đầu về đào tạo Lâm nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, rừng Việt Nam là rừng nhiệt đới, còn ở Châu Âu chủ yếu là rừng ôn đới. Vì vậy, theo Nguyên khi về nước, tấm bằng thạc sĩ rừng châu Âu (European forestry) hay bằng thạc sĩ rừng Địa Trung Hải (Mediterranean Forestry) chưa chắc đã phát huy hết được giá trị.

"Nếu bạn ở lại châu Âu thì các tấm bằng này sẽ là điểm mạnh của bạn, nhưng nếu bạn nộp đơn ứng tuyển nghiên cứu sinh tiến sĩ hoặc xin việc ở các nước châu Á hay Australia, bằng thạc sĩ rừng ở châu Âu sẽ kém ưu thế hơn so với bằng thạc sĩ rừng nhiệt đới", Đại Nguyên dẫn chứng, cho biết cần cân nhắc về sự phù hợp của tấm bằng với các mục tiêu trong tương lai.

Đây cũng là lý do Nguyên đã chương trình SUFONAMA vì phạm vi ngành học rộng hơn và có thể nộp xin việc ở nhiều nước trên thế giới.

Thời tiết

Từ trải nghiệm của bản thân, nam sinh nhận định, thời tiết là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến tâm lý, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới việc học.

"Mình đã gặp những vấn đề rất nghiêm trọng về tâm lý vì mùa đông lạnh và buồn khi học ở Thụy Điển. Vì thế, mình sợ đến những nơi nào có thời tiết tương tự", Nguyên nói, cho biết ứng viên cần cân nhắc khi lựa chọn du học ở các nước Bắc Âu có thời tiết lạnh và dân số thưa thớt như Phần Lan hay Thụy Điển. Nếu sợ lạnh, du học sinh có thể cân nhắc đến các nước Nam Âu như Ý, Tây Ban Nha vì khí hậu khá giống Việt Nam, hay một số khu vực ở Anh, Pháp không có tuyết.

z3908186705300-0c33ce1c66b0673-8996-7951-1669464619.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=C7s7O-TivH6hxF6WSSUg8g

Võ Đại Nguyên trong một chuyến đi đến thành phố Nice, Pháp, năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đánh giá của cựu sinh viên

Nguyên cho rằng đánh giá của các cựu sinh viên là một thông tin tham khảo quan trọng. Bởi thông tin về các môn học đều có trên website của trường, tuy nhiên theo Nguyên, thực tế thế nào, những câu chuyện đằng sau thì chỉ có người từng học chương trình mới nắm được.

"Ngoài Anh và Đức, SUFONAMA cũng cấp học bổng đi học ở Đan Mạch, còn chương trình MEDfOR cho đi Bồ Đào Nha. Mình hỏi các anh chị cựu sinh viên và biết rằng có một số môn học tại các trường ở hai quốc gia này không liên quan đến hướng nghiên cứu trong tương lai của mình. Vì vậy, mình đã không chọn Đan Mạch và Bồ Đào Nha", Nguyên dẫn chứng, cho biết đây là một chi tiết nhỏ quan trọng có ảnh hưởng đến lựa chọn của mình.

Nhu cầu dùng tiếng Anh

Từng tham gia một khóa trao đổi 9 tháng tại Thụy Điển và đi du lịch một số nước, Nguyên nhận thấy ở các nước Nam Âu như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, việc sử dụng tiếng Anh không phổ biến. Do đó, du học sinh gặp một số khó khăn khi kiếm việc làm thêm, làm các thủ tục hành chính, mua hàng hay gọi điện tổng đài. Những điều này lại dễ dàng ở những quốc gia như Thụy Điển, Phần Lan. Tuy nhiên, đây có thể là cơ hội để các du học sinh được học thêm một ngôn ngữ mới. Nhiều bạn cùng đỗ học bổng Erasmus năm nay với Nguyên đã đi học thêm tiếng bản địa để thuận lợi trong sinh hoạt và học tập, làm việc.

"Vì thế, nhu cầu sử dụng hay học ngoại ngữ cũng là một yếu tố có thể xem xét khi lựa chọn học bổng hoặc ngôi trường mà mình theo học", Nguyên nói.

Doãn Hùng (ghi)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022