Vài ngày trước, tờ báo của Trường Đại học Harvard - The Harvard Crimson đã thực hiện một cuộc khảo sát ẩn danh với hơn 1600 sinh viên năm nhất vừa nhập học. Cuộc khảo sát bao gồm ba phần: Hệ thống phân lớp & Tuyển sinh (Class Makeup & Admissions), Hiệu suất Học tập & Hoạt động ngoại khóa (Academics & Extracurriculars), Tín ngưỡng và Lối sống(Belief & Lifestyle). Trong đó, có một số dữ liệu đã thu hút sự chú ý của khá nhiều người:
29,3% sinh viên năm nhất có ít nhất một người thân hoặc phụ huynh là cựu sinh viên Harvard;
46% sinh viên đến từ những gia đình giàu có, thu nhập hàng năm vượt quá 500.000 đô la Mỹ;
35,9% sinh viên năm nhất hiếm khi sử dụng Twitter, 56,4% sinh viên mới không có tài khoản Twitter;
85,9% sinh viên năm nhất coi học tập là ưu tiên hàng đầu;
83,9% phải chịu áp lực lớn từ kỳ vọng của chính bản thân.
Một hình ảnh từ kết quả khảo sát lượng người sử dụng Instagram trên trang The Harvard Crimson.
Trước những thông tin này, một số người cho rằng: "Đứng trên vai người khổng lồ có thể dễ dàng phát triển khổng lồ hơn, ngược lại, đứng trên vai những người lùn thì nỗ lực mấy cũng khó mà bằng."
Mặt khác, nhìn vào những con số hơn 50% của bảng khảo sát, cũng có rất nhiều người tin tưởng: "Chỉ có nỗ lực mới là bệ đỡ vững bền nhất có thể quyết định vận mệnh của bản thân."
Đừng lấy sự bất công làm lý lẽ cho kẻ thiếu năng lực
Khi còn chưa trưởng thành, chúng ta luôn nghĩ rằng thế giới này không có sự công bằng. Sau này, đối mặt với cuộc đời, mọi người mới nhận ra hai tiếng "công bằng" nằm trong chính năng lực bản thân. Nhà văn Cổ Long từng nói: "Mỗi người đều có xuất phát điểm giống nhau, vấn đề ở chỗ ai sẽ là người chăm chỉ leo lên nhất. Đừng chỉ đứng hưởng thụ trong bóng râm, nhìn thành quả người khác đổ mồ hôi vất vả đạt được rồi nói là 'ông trời bất công'. Chính tâm lý đó mới là sự bất công thực sự."
Chỉ cần bạn có đủ nỗ lực, không có cánh cổng nào muốn từ chối bước chân của bạn, cho dù là Đại học Harvard. Năng lực và tri thức không tự nhiên xuất hiện mà nó là kết quả của một quá trình dùi mài sách vở, ôn luyện và rèn giũa tư duy suốt cả chặng đường dài. Có người chỉ nhìn vào gần một nửa sinh viên Harvard là con cháu nhà giàu, nhưng lại cố tình bỏ qua nửa còn lại, những đứa con đến từ các gia đình bình thường, thậm chí là nghèo khó từ khắp nơi trên thế giới.
Nếu không biết nỗ lực thật nhiều ở tuổi 20 thì đến tuổi 30, bạn vẫn chỉ như một đứa trẻ mười mấy tuổi đầu, có bệ đỡ cũng chẳng đủ sức mà leo đi đâu. Và tuổi 40, 50, hay mãi về sau, bạn vẫn chẳng có gì trong tay ngoại trừ sự già cỗi, ỷ lại và lười biếng, sự khởi nguồn của mọi đau khổ bất lực trong đời người. Nếu không được sinh ra ở vạch đích, hãy tự kiếm tiền, mua ô tô và lao tới đích, hưởng thụ thành quả mà bao người khác không thể làm được.
"Ác" với bản thân hơn một chút
35,9% sinh viên năm nhất hiếm khi sử dụng Twitter và 56,4% thậm chí còn không có tài khoản mạng xã hội này. Với những người dùng Instagram, kết quả cũng tương tự như vậy. Nếu so kết quả này với xã hội người trẻ ở Việt Nam hiện nay, chúng ta nhận thấy một sự khác biệt vô cùng tàn khốc.
Mỗi người sở hữu đến mấy chiếc điện thoại thông minh, máy tính và ipad cũng hoạt động hết công suất mỗi ngày, mỗi trang mạng xã hội đều có vài tài khoản chính phụ. Sau một ngày làm việc hoặc học tập, cách giải lao phổ biến nhất của đại đa số người trẻ luôn là nằm ườn trên giường hoặc sofa để chơi điện thoại di động, lướt mạng Facebook đến tận đêm khuya rồi mệt mỏi chìm vào giấc ngủ trong suy nghĩ khắc khoải rằng: "Còn quá nhiều việc mình chưa kịp làm hôm nay..."
Không gì có thể nhanh chóng hủy hoại cuộc đời nhanh hơn một lối sống không có kỷ luật. Nhà văn nổi tiếng Nhật Bản Haruki Murakami bắt đầu viết từ năm 30 tuổi và đến nay đã được 40 năm. Mỗi ngày ông viết tổng cộng 4.000 từ, mỗi trang đúng 400 chữ và chỉ viết đúng 10 trang. Sau đó, ông dùng hẳn 1 giờ đồng hồ để chạy bộ rèn luyện sức khỏe. Suốt 40 năm ông đều giữ vững cả hai thói quen này. Nhờ có kỷ luật thép cho chính bản thân như vậy, Haruki Murakami mới có đủ năng lực và sức khỏe để tiếp tục tạo nên những tác phẩm xuất sắc trong nhiều thập kỷ qua.
Có người từng nói: "Động lực lớn nhất để tôi không ngừng nỗ lực chính là nỗi sợ hãi, sợ bản thân ngày một trì trệ và thụt lùi." Là một người bình thường, có thể chúng ta thua kém người khác nhiều thứ ngay từ khi sinh ra như của cải, điều kiện vật chất, chỉ số thông minh IQ... nhưng điều duy nhất chúng ta nhất định phải làm được để cải thiện sự thua kém đó chính là: "Ác" với bản thân thêm một chút.
Dù mệt mỏi rã rời cũng phải nỗ lực tiến thêm một bước; Dù thất bại thảm hại cũng phải tỉnh táo để học tập từ sai lầm; Dù vấp ngã đau đớn cũng phải ép mình tự lực đứng lên. Hãy nhớ rằng, 85,9% sinh viên năm nhất ở Đại học Harvard luôn coi học tập là ưu tiên hàng đầu và 83,9% tự đặt kỳ vọng rất lớn cho bản thân. Cho dù con đường đời của họ đã rất rộng, rất dài nhưng họ không bao giờ ngừng nỗ lực để tiếp tục mở rộng và trải dài thêm thành tựu về sau. Chúng ta càng chẳng có lý do gì để dừng nỗ lực, dừng cố gắng. Có lẽ, đến cuối cuộc đời, chúng ta vẫn chưa thể leo lên đến đỉnh kim tự tháp nhưng ít nhất, chúng ta không ngừng đặt chân tới những độ cao hoàn toàn mới.