Sáng 5/9, 22,3 triệu học sinh, sinh viên cả nước bước vào năm học mới 2017-2018. Lễ khai giảng sẽ diễn ra trong một tiếng, từ 7h30, gồm phần lễ với nghi thức chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước; phần hội là các tiết mục văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian.
Dự kiến, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các phó thủ tướng sẽ dự lễ khai giảng, đánh trống khai trường tại nhiều cơ sở giáo dục.
Học sinh muốn lễ khai giảng như thế nào?
Năm học này, ngành giáo dục tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Đó là việc quá tải trường lớp ở các đô thị lớn, thiếu phòng học kiên cố ở vùng sâu; thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, nhưng lại thừa giáo viên THPT, năng lực của một bộ phận thầy cô không đáp ứng với yêu cầu đổi mới.
Cải thiện trình độ tiếng Anh của học sinh Việt Nam cũng là bài toán nhức nhối nhiều học năm qua, khi đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 bị đánh giá hiệu quả thấp. Học sinh sau 10 năm học tiếng Anh (bắt đầu từ lớp 3) vẫn không thể giao tiếp được.
Bên cạnh tồn tại lâu năm ở trên, có một số vấn đề mới phát sinh, như hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia theo hướng ra đề có tính phân loại cao hơn; siết chặt đầu vào ngành sư phạm. Điểm chuẩn trường sư phạm năm học này thấp kỷ lục, nhiều đại học chỉ lấy bằng mức sàn của Bộ Giáo dục -15,5, có trường cao đẳng tuyển thí sinh trung bình mỗi môn chỉ 3 điểm.
Năm nay cả nước có 2,5 triệu học sinh THPT. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 tổ chức trung tuần tháng 8, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm sẽ được thực hiện trong năm học mới.
Một là quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục, trọng tâm là cơ sở đào tạo giáo viên. Các trường chất lượng cao, uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh để trước mắt tập trung đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho địa phương. Nếu làm được việc này, câu chuyện 3 điểm đỗ cao đẳng sư phạm sẽ không còn.
Hai là chuẩn bị điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, Bộ tập trung đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Các địa phương chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ba là đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Bộ sẽ đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo; đề ra giải pháp quyết liệt để Hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục sẽ trình Chính phủ sửa đổi đề án ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020; tiếp tục thực đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thí điểm chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, giáo trình, phương pháp đánh giá của các nước có nền giáo dục tiên tiến...
Với rất nhiều giải pháp đã và sẽ triển khai, giáo viên và học sinh mong chờ có một năm giảng dạy, học tập chất lượng, hiệu quả, không quá áp lực.
Trong 22,3 triệu học sinh, sinh viên, chiếm số lượng đông đảo nhất là học sinh tiểu học 7,8 triệu; học sinh THCS 5,2 triệu; mầm non, 5,1 triệu; THPT là 2,5 triệu; sinh viên 1,7 triệu. Cả nước có khoảng 316.600 giáo viên mầm non, 397.100 giáo viên tiểu học, 311.000 giáo viên THCS, 150.700 giáo viên THPT và 72.800 giảng viên đại học, cao đẳng. |