Kỳ nghỉ Tết kết thúc, Nguyễn Bình, học sinh lớp 12 ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, vẫn chưa phải đến trường. Hai ngày qua, trường em chưa thông báo học online. Thầy cô chỉ gửi link tuyển tập đề cho học sinh luyện, dặn đọc lại các bài học gần nhất. Không cho phép mình nghỉ ngơi, Bình bắt đầu lướt trang Facebook của các trung tâm dạy trực tuyến nổi tiếng để tìm kiếm lịch livestream bài giảng, đồng thời tham gia các nhóm dành cho học sinh cuối cấp để trao đổi bài.
"Biết rằng học online sẽ không hiệu quả như trực tiếp, nhưng nếu coi thường, học lớt phớt rồi kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ không tốt, đặc biệt với những học sinh cuối cấp, đã phải học online từ năm ngoái như em", Bình nói.
Nam sinh nhớ lại đợt học online vào kỳ II năm ngoái, mọi thứ đến một cách thụ động với cả nhà trường, giáo viên và học sinh. Khi đó, các tiết học với thầy cô không nhiều, chủ yếu giao bài ôn luyện, gửi lịch học qua truyền hình hoặc xem livestream "ké" của thầy cô ở trung tâm dạy trực tuyến lâu năm trên Facebook.
Khi quay lại trường, thầy cô vẫn giảng lại những bài học đó nhưng theo kiểu lướt qua, điểm lại kiến thức cần nhớ. Những bạn không chăm sẽ không thể nhớ và đào sâu được. Điều này sẽ phần nào ảnh hưởng bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn có một lượng câu hỏi nhất định rơi vào phần kiến thức lớp 11.
Năm nay có lẽ thầy cô cũng lo ngại nên ngay từ học kỳ I lớp 12 đã đẩy nhanh phần kiến thức quan trọng của cả năm, chỉ còn một phần nhỏ kỳ II học nốt, sau đó dành phần lớn thời gian để ôn tập, luyện đề, thi thử trước khi kỳ thi chính thức diễn ra. Vì vậy, đến thời điểm này, Bình đã hòm hòm về kiến thức cơ bản nhưng để nói tự tin đi thi, lấy kết quả vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học thì chưa.
Hiện, Bình đã chuẩn bị phòng học riêng với máy tính bàn kết nối Internet, có webcam, tai nghe tích hợp mic đầy đủ cùng tâm lý "học trực tuyến không chỉ để cho có". Nam sinh lên kế hoạch tập trung nhiều hơn vào các môn thi tốt nghiệp gồm Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh, trong đó đặc biệt chú ý ba môn Toán, Lý, Hóa - tổ hợp em lựa chọn để xét tuyển đại học.
"Em sẽ theo dõi thông báo về lịch cũng như hình thức học trực tuyến ở trường để theo, cùng với đó là luyện đề thầy cô gửi, trao đổi qua điện thoại với bạn bè hoặc thầy cô khi gặp phần kiến thức không hiểu", Bình chia sẻ.
Trải qua một năm học online, Võ Việt Phương, lớp 12 Tin, trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM) phần nào hình dung được việc học theo hình thức này vận hành ra sao. Tuy nhiên, khác với tâm trạng của một học sinh lớp 11, nam sinh có chút lo lắng bởi đây là năm cuối cấp. Em tự nhủ phải tập trung hết sức, không xao nhãng việc học trong những tháng chạy nước rút.
Theo Phương, các môn Văn, Sử, Địa học bằng hình thức online đem lại hiệu quả gần bằng học tập trung trên lớp. Toán, Lý, Hóa cũng khá ổn nếu học sinh chăm chỉ, tập trung. Dự định thi tốt nghiệp THPT với tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (Lý, Hoá, Sinh) để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ngành Quan hệ quốc tế hay Báo chí, Phương xác định dù học online chỉ là giải pháp tình thế vẫn phải nghiêm túc, chủ động để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Võ Việt Phương trong buổi học online ngày 18/2. Ảnh: Lê Nam.
Từ đầu tháng 2, khi được nghỉ Tết Nguyên đám sớm hơn một tuần phòng chống dịch, Hoàng Yến, học sinh lớp 9 trường THCS Lương Định Của, TP Thủ Đức, TP HCM, vui mừng vì được nghỉ Tết dài hơi. Nhưng khi đã chán cảm giác ở nhà dài ngày, muốn đến trường gặp bạn bè lại được nhận quyết định ngưng đến trường đến cuối tháng, nữ sinh hụt hẫng.
Năm cuối cấp với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập vào đầu tháng 6, học kỳ này rất quan trọng với Yến và nhiều bạn cùng lớp. "Với những bạn xuất sắc thì việc học ở nhà hay đến trường cũng không mấy quan trọng, nhưng lực học chỉ ở mức khá nên em rất lo. Chưa kể, vì dịch mà em cũng không được học thêm một số môn yếu", Yến chia sẻ.
Chiều 14/2 (mùng ba Tết), ba mẹ và Yến đã ngồi lập thời gian biểu để học tại nhà. Mỗi buổi sáng, chiều Yến sẽ học 3-4 tiếng theo lịch học online của trường và rèn giải bài tập, hai tiếng buổi tối là thời gian học tiếng Anh. Để không bị rối khi học, nữ sinh chỉ tập trung học theo sách giáo khoa để nắm căn bản, không sử dụng các sách nâng cao.
Môn học Yến tự tin nhất là Văn và tiếng Anh, kém hơn là Toán. Việc học online một học kỳ lớp 8 đã cho nữ sinh nhiều kinh nghiệm. Trong buổi học phải tập trung cao, có sổ ghi chép để tốc ký lời cô giảng, các bài tập phải được in sẵn để thuận tiện làm bài. "Nguyện vọng một năm nay của em là THPT Trưng Vương, thuộc nhóm trường có đầu vào khá cao nên phải cố gắng rất nhiều. Dù lo lắng nhưng em không mất bình tĩnh, cứ học chậm mà chắc", Yến nói.
Nguyễn Thuỳ Linh, học sinh lớp 10 ở Gia Lâm, Hà Nội, đã bắt đầu học online từ ngày 17/2, ngay sau khi kỳ nghỉ Tết kết thúc. Dù không học cùng trường của năm ngoái do chuyển cấp, em không bị bỡ ngỡ vì hai trường cùng sử dụng phần mềm Zoom để dạy trực tuyến.
Linh cho biết học tất cả môn, trừ Thể dục giáo viên gửi video bài tập rồi tập theo. Riêng bài tập được các thầy cô giao qua Zalo và nộp bài cũng qua ứng dụng này. Hiện mọi thứ đều ổn trừ việc thời gian học có phần lộn xộn. Như hôm qua, em học một tiết buổi sáng và ba tiết buổi chiều trong khi nếu đúng thời khóa biểu, em chỉ học trong buổi chiều.
Xác định có thể phải học trực tuyến lâu dài do Hà Nội đang có tới 35 ca Covid-19, lại là nơi có nhiều người từ tỉnh khác đến học tập và làm việc, Linh bảo phải chăm chỉ ghi chép và học chỉn chu ngay từ đầu để tránh việc học lại mất thời gian. "Em sẽ làm bài tập đầy đủ, thường xuyên tương tác với thầy cô khi gặp bài khó để hiểu kiến thức ngay sau khi kết thúc bài học", Linh nói.
Giống như Linh, Bảo Minh, học sinh lớp 7 ở Long Biên, Hà Nội, cho rằng dù học online chỉ là giải pháp tình thế, em vẫn cần học tử tế ngay từ đầu. "Năm ngoái chúng em học qua Zoom không hiệu quả, phần mềm thường xuyên có vấn đề, lúc thì bị thoát ra bất ngờ, lúc lại có bạn bật nhạc linh tinh khiến lớp học bị gián đoạn. Nhưng bọn em bắt buộc học theo hình thức này vì chưa thể nói trước điều gì về dịch bệnh", nữ sinh lớp 7 chia sẻ.
Không bị áp lực bởi các kỳ thi quan trọng nhưng Minh cho rằng kiến thức lớp nào cũng quan trọng bởi là nền tảng để học các năm sau. Nữ sinh hy vọng dịch bệnh được kiểm soát tốt để em và các bạn sớm được quay trở lại trường.
Đến 18/2, gần 50 tỉnh, thành cho học sinh tiếp tục ở nhà sau Tết Tân Sửu, trong đó có Hà Nội và TP HCM. Các Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trường học phải lên phương án dạy online phù hợp, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học.
Việc học online cũng là chỉ đạo chung của toàn ngành giáo dục. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 ngày 4/2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo toàn ngành kích hoạt, mở rộng và nâng cao hiệu quả dạy trực tuyến, "làm chắc chắn và chất lượng hơn năm ngoái". Nhiều trường phổ thông tại Hà Nội và các địa phương cũng lên phương án sẵn sàng dạy trực tuyến nếu nghỉ học kéo dài sau Tết Tân Sửu.
Dương Tâm - Mạnh Tùng