Trong ngày cận Tết Tân Sửu, PGS.TS Võ Hoàng Hưng và cộng sự vẫn miệt mài làm việc trong phòng nghiên cứu Đại học Sài Gòn. Anh hào hứng chia sẻ nhóm sắp công bố bài báo khoa học về xây dựng mô hình toán học bằng phương trình đạo hàm riêng dự đoán sự lây lan của bệnh dịch tả.

Cùng với đồng nghiệp trong khoa PGS Lê Minh Triết, anh Hưng là một trong 4 phó giáo sư trẻ nhất được công nhận trong năm 2020 - khi 33 tuổi.

pho-giao-su-33-tuoi-hinh-1-8299-1612769133.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UW5BADqZmXyjuISJ3MXMBw

PGS Võ Hoàng Hưng, giảng viên Khoa Toán - Ứng dụng, Đại học Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Tùng.

Quê Vĩnh Long, lớn lên ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, từ nhỏ Hưng đã bộc lộ niềm đam mê và năng khiếu Toán. Khi còn là học sinh lớp 3, Hưng đã giải được nhiều bài toán lớp 5, cả bài toán ma phương.

Trong suốt những năm học THCS và THPT, Hưng luôn đứng đầu lớp môn Toán, giành nhiều giải thưởng như: Huy chương vàng kỳ thi Olympic 30/4 năm lớp 10, hạng nhất kỳ thi học sinh giỏi Toán đồng bằng sông Cửu Long năm lớp 11.

Năm cuối cấp tại trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Hưng giành giải ba học sinh giỏi quốc gia. Năm đó, anh cũng dự thi đại học và trúng ngành Kỹ thuật xây dựng, Đại học Bách khoa TP HCM. Với giải học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng đại học, Hưng càng thêm cơ hội chọn những trường tốt nhất nên mất thời gian khá dài, cân nhắc lựa chọn.

"Tôi quyết định chọn ngành Toán bởi nghe theo lời khuyên của thầy giáo dạy chuyên Toán của mình, học toán và làm nghiên cứu để giúp được nhiều người hơn", anh kể.

Năm 2005, anh Hưng vào ngành Toán học trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM), tốt nghiệp loại giỏi hệ cử nhân tài năng. Cuối năm 2009, sau khi lấy bằng đại học, anh học tiếp cao học, chương trình Việt - Pháp của Đại học Quốc gia TP HCM chuyên ngành Toán giải tích. Anh được giữ lại trường Đại học Khoa học Tự nhiên công tác một thời gian với vai trò giảng viên.

Cuối năm 2011, thạc sĩ trẻ dừng công việc ở trường để tập trung học cao hơn. Với hồ sơ có điểm số vượt trội và thư giới thiệu từ giáo sư uy tín, anh nhận cùng lúc 3 học bổng tiến sĩ. Anh chọn học bổng Marie Curie tại Đại học Paris 6, Pháp để theo chuyên ngành hẹp sở trường là Toán giải tích và phương trình đạo hàm riêng. Hưng may mắn được học với GS Henri Berestycki - nhà Toán học lớn của Pháp trong lĩnh vực phương trình đạo trình đạo hàm riêng. Học bổng này còn giúp anh nhận lương 2.500 Euro mỗi tháng, mức tương đương với vị trí phó giáo sư cơ hữu của Pháp khi đó.

Lấy bằng tiến sĩ sau gần 4 năm học tập và nghiên cứu, câu hỏi lớn nhất với anh khi đó là "ở lại hay về nước", nhất là khi tân tiến sĩ tiếp tục có thêm học bổng post-doc (nghiên cứu sau tiến sĩ). "Tôi về nước thấy cơ hội làm việc và phát triển sẽ nhiều hơn trong tương lai. Tôi muốn đeo đuổi hướng nghiên cứu phương trình đạo hàm riêng với các ứng dụng trong sinh học và phát triển nó tại Việt Nam", PGS Hưng nhớ lại.

Từ năm 2015, anh trở về nước làm việc và công tác ở nhiều nơi trước khi chọn "bến đỗ" là Đại học Sài Gòn từ năm 2018 đến nay. Ngoài giảng dạy, PGS Hưng tập trung nghiên cứu khoa học với 2 hướng chính: Phát triển lý thuyết phổ cho toán tử không địa phương và bài toán tiến hóa với các phương trình đạo hàm riêng có ứng dụng trong sinh học.

Hiện, anh đã công bố 14 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế, trong đó có 11 bài nằm trong danh mục tạp chí ISI uy tín của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Anh cũng được mời tham gia báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế uy tín ngành Toán.

Tháng 12 năm ngoái, PGS Hưng là một trong số ít giảng viên trẻ được Viện nghiên cứu cao cấp về Toán mời giảng khóa học "Trường Đông về phương trình đạo hàm riêng". Khóa học cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên sâu trong lĩnh vực phương trình đạo hàm riêng cho sinh viên đại học từ năm 2 trở lên, học viên sau đại học và nghiên cứu sinh, lần đầu tiên được tổ chức tại ở Việt Nam.

pho-giao-su-33-tuoi-hinh-3-3517-1612769133.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=D6aekSH8Duoez5l43rjDFw

PGS Võ Hoàng Hưng trong phòng nghiên cứu Đại học Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Tùng.

Phó giáo sư 34 tuổi quan niệm, nghiên cứu Toán học phải gắn liền với việc giảng dạy và phải được ứng dụng trong cuộc sống. Hiện anh và cộng sự tiếp tục nghiên cứu sâu về phương trình đạo hàm riêng có ứng dụng trong sinh học, trong đó sẽ dự đoán sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Nhóm đã hoàn thành công trình nghiên cứu với bệnh dịch tả.

Đây là cơ sở để tiến tới các nghiên cứu tiếp theo để dự đoán sự lây lan dịch sốt xuất huyết và có thể là Covid-19. "Với Covid-19, chúng tôi cần thêm thời gian để đủ dữ kiện, số liệu thống kê, từ đó mới rút ra các quy luật lây lan để tiến hành xây dựng mô hình dự báo", anh nói.

Sau hơn 10 năm giảng dạy và nghiên cứu, anh Hưng nhận thấy quyết định trở về nước từ sớm là đúng đắn bởi Việt Nam đang đầu tư nhiều cho nghiên cứu khoa học. "Chỉ cần nhà khoa học có năng lực thật sự thì không thiếu đất dụng võ. Tôi hạnh phúc với công việc dạy học và nghiên cứu hiện tại", PGS Hưng chia sẻ.

Cuối năm ngoái, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách 39 ứng viên Giáo sư và 300 ứng viên Phó giáo sư đạt đủ phiếu tín nhiệm. Trong số các Phó giáo sư, 4 người trẻ nhất cùng sinh năm 1987 là: PGS Lê Minh Triết và Võ Hoàng Hưng (Khoa Toán - Ứng dụng, Đại học Sài Gòn); PGS Trần Đức Học (Khoa Kỹ thuật xây dựng, Đại học Bách khoa TP HCM); PGS Phạm Chiến Thắng (Khoa Hoá học, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội).

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022