Học sinh Canada không cần thi tốt nghiệp, không thi đại học, vậy các em sẽ chuẩn bị vào đại học ra sao? Theo anh Bảo Nguyễn, nhân viên điều hành bậc hậu cử nhân (MA và PhD) của Đại học University of Toronto, dù không có các kỳ thi quốc gia trong giáo dục phổ thông nhưng để vào đại học, học sinh phải chuẩn bị từ ít nhất 2 năm trước. Tốt nghiệp Trung học là yếu tố cần, nhưng vậy chưa đủ.

"University/College không bắt thi nhưng tuyển sinh dựa trên tiêu chuẩn cụ thể của các credits lớp 12 mà từng chuyên ngành ấn định. Credit nghĩa là tín chỉ của một môn học mà học sinh đạt được vào cuối học kỳ. Mỗi học kỳ, học sinh sẽ chọn và học 4 môn ví dụ: Toán, Vật lý, Computer, Thể dục. Tới cuối học kỳ, ngoài điểm trung bình các môn này, các em còn được ghi nhận là đã có tín chỉ cho các môn đã học", anh Bảo Nguyễn chia sẻ.

Theo anh Bảo, các ngành Khoa học, Kỹ thuật trong đại học thường yêu cầu từ 4 cho đến 6 Advanced Credits (credit của chương trình dạy nâng cao dành cho các em muốn vào đại học) trình độ lớp 12. Trong đó căn bản phải có: 2 credit môn Toán: Advanced Functions (Hàm số bậc cao), Calculus and Vectors (Giải tích và Vec tơ); 1 credit môn English (Anh văn) và các credit khoa học như Lý, Hoá, Sinh, Kế toán, Toán thống kê, Kinh tế, Kinh doanh... tuỳ theo chuyên ngành.

photo-3-1664972825296920055357.jpeg

Tuỳ theo mức độ khó khăn của chuyên ngành đào tạo mà các khoa trong đại học ấn định mức điểm chuẩn của từng credit. Các ngành Kỹ thuật của các đại học hàng đầu Canda như University of Toronto, Waterloo, McGill... luôn luôn có mức điểm chuẩn cao. Phải từ 90% trở lên mới có hy vọng đậu vào. Bởi vì có quá nhiều hồ sơ hội đủ điều kiện nên họ chỉ tuyển chọn những thí sinh điểm cao nhất, giỏi nhất.

Tiếp đến là những ngành chung chung như Kinh doanh, Kinh tế, Kế toán, Tài chính... số credits yêu cầu và mức điểm chuẩn cũng thấp hơn. Các đại học hạng trung và hạng vừa ở tỉnh xa, hoặc những ngành khoa học xã hội... thì tuyển sinh càng dễ dàng hơn. Họ đòi ít credit hơn cũng hạ điểm chuẩn thấp hơn.

Cùng lớp 10, 11, 12 nhưng học sinh nào muốn chuẩn bị vào đại học thì học chương trình nâng cao (Advanced Credits) ở các lớp riêng. Còn học sinh bình thường thì vào các lớp General (tổng quát) là đủ tốt nghiệp trung học.

Sự chuẩn bị của học sinh giỏi

Anh Bảo Nguyễn cho biết, tháng 12 là mùa tuyển sinh hàng năm của đại học. Từ giữa tháng 11, các em học sinh lớp 12 đã phải ráo riết chuẩn bị hồ sơ để nộp lên cho kịp thời hạn cuối tháng 12.

"Để lấy đủ 6 credits ngay đầu năm lớp 12 và vào đại học, các học sinh ưu tú luôn học nhảy lớp, điều này nhà trường cho phép. Các em sớm định hướng nghề nghiệp đã tìm hiểu về yêu cầu tuyển sinh của đại học từ nhiều năm trước nên đã chuẩn bị sẵn. Khi đang ở lớp 10, các em có thể lấy một số môn lớp 11. Lên 11 thì lấy các môn lớp 12. Muốn lấy các credit advanced lớp 12, thì phải lấy cái lớp advanced lớp 10, 11 trước.

Mỗi môn học chỉ kéo dài có 1 học kỳ 4 tháng là có credit và điểm tổng kết. Vì thế, nếu một học sinh lớp 11 hoàn tất Calculus, English, Functions (môn Vi tích phân, Anh văn, Hàm số)... ở học kỳ 1 thì có thể ghi danh học Calculus, English, Functions... trình độ lớp 12 vào học kỳ 2. Một năm, học sinh bình thường có thể lấy 8 credits. Còn những ai chăm chỉ học luôn mùa hè thì có thể lấy 9-10 credits. Tới hết kỳ 2 hoặc là mùa hè năm lớp 11, những học sinh xuất sắc này đã gôm sẵn cho mình một số credit lớp 12 mà đại học yêu cầu. Đây là nhóm thí sinh đi trước, về trước trong đường đua đại học", anh Bảo chia sẻ thêm.

Hạn chót nộp hồ sơ đại học thường là cuối tháng 12. Lúc này học sinh cũng sắp thi học kỳ. Vào đầu tháng 1, đại học sẽ bắt đầu cứu xét hồ sơ. Đây cũng là thời gian mà bảng điểm final học kỳ 1 của học sinh lớp 12 hoàn tất. Các thí sinh có thể gửi bảng điểm mới, bổ túc hồ sơ.

Ở một số tỉnh như Ontario thì học bạ của thí sinh tự động cập nhật thẳng trong hồ sơ tuyển sinh. Như vậy, khi mở hồ sơ đại học sẽ thấy được kết quả học tập mới nhất của thí sinh. Những em nào đã đạt đủ số required credits với điểm số cao nhất thì sẽ được chọn trước. Đây là những hạt giống vàng, được thu hoạch ngay trong mùa gặt đầu tiên. Những em này sẽ nhận giấy báo trúng tuyển sớm nhất vào tháng 1, 2 mặc dù chưa tốt nghiệp trung học.

photo-2-16649728211351916978897.jpg

Giấy báo này gọi là conditional admission offer (trúng tuyển có điều kiện). Trong đó ghi rõ rằng các em phải tốt nghiệp trung học với điểm trung bình cuối năm theo đúng điểm chuẩn mà các khoa/ngành yêu cầu. Đến tháng 6, khi hoàn tất chương trình trung học, có bằng tốt nghiệp rồi thì các học sinh này chỉ việc gởi kết quả final (cuối cùng) lên cho đại học để clear (xoá) những điều kiện ban đầu. Lúc đó đại học sẽ gửi lại một tấm final admission offer ghi rõ rằng các em chính thức được nhận vào tháng 9.

Mỗi khoa trong đại học đều có admission quota (định mức) hàng năm. Dựa trên định mức này, họ sẽ phát những giấy báo trúng tuyển thành nhiều đợt. Nhóm thí sinh giỏi thì sẽ được gởi trước, nếu các em từ chối thì đại học dò waiting list (danh sách chờ) đi xuống đợt 2, rồi đợt 3. Cứ như vậy cho đến tháng 6. Họ không gửi giấy báo từ chối ngay từ đầu. Thí sinh cũng biết điều này nên các em nộp hồ sơ ở nhiều đại học khác nhau để dự phòng. Em nào chờ mãi không nhận giấy báo thì phần nào đoán ra kết quả.

Phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi ngay từ tiểu học

Nhóm học sinh giỏi này được khám phá, nâng đỡ từ những năm tiểu học. Những em nào thông minh đặc biệt sẽ được thầy cô giáo phát hiện, gửi đi thi vào trường Gifted School hay Gifted Program (trường năng khiếu).

Ở đây các em sẽ được dạy dỗ ở trình độ nâng cao. Ngoài ra, khi bắt đầu vào trung học (từ lớp 9 đến 12), trường tiểu học sẽ giới thiệu các học sinh xuất sắc nhất khối 8 vào học các chương trình advanced lớp 9 như International Baccalaureate(IB: Bằng Tú tài Quốc tế); STEAM (Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Arts and Mathematics (Nghệ thuật và Toán học)... Tại đây, các em có thể học trình độ advanced ngay và học lên. Những học sinh ưu tú, còn có thể theo học chương trình Advanced Placement Program (APP), có credits giá trị tương đương năm nhất đại học.

photo-1-16649728169501394389351.jpg

"Chương trình học tập của mỗi học sinh trường công được lên sẵn kế hoạch trước một năm. Vì có rất nhiều môn học, nên cứ đến cuối năm, mỗi em sẽ chọn trước các môn phù hợp cho năm học tới. Sự chọn lựa này được thoả thuận bởi nhà trường, học sinh và phụ huynh rồi lưu trữ trong hồ sơ cá nhân.

Ngày khai giảng, các em sẽ lên trường lấy thời khoá biểu riêng, sau đó thì cứ chuông reo đổi tiết là chạy qua lớp khác y như bậc đại học. Vì thế, chuyện sớm lên kế hoạch để lấy advanced credits cho đại học là điều mà mỗi học sinh đều biết và tự làm được nếu chúng muốn.

Nếu sang du học Canada năm lớp 12 thì học sinh Việt nam không thể có sẵn những advanced credits của bậc trung học Canada lớp 12 ngay được. Các em thiếu hẳn study plan (kế hoạch học tập) từ ít nhất một năm trước... Đó là còn chưa đề cập đến sự chênh lệch về ngôn ngữ, văn hoá, nhận thức xã hội... Các em sẽ khó lòng bì kịp với thế hệ học sinh giỏi Canada trong cuộc chạy đua vào những ngành khoa học kỹ thuật khó nhất, tại các đại học tốt nhất", anh Bảo nói thêm.

Anh Bảo Nguyễn, một công dân gốc Việt đã cư ngụ tại Canada 30 năm. Công việc của anh từ năm 1998 đến nay là Nhân viên điều hành bậc hậu cử nhân (MA và PhD) của Đại học University of Toronto, ngôi trường số 1 của Canada. Anh là người hỗ trợ cho sinh viên từ ngày các em mới xin vào học cho tới ngày thành công bảo vệ luận án.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm trong ngành giáo dục, anh có những chia sẻ thiết thực và hữu ích cho những học sinh, sinh viên có mong muốn sang học tập và sinh sống tại Canada.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022