Đại học là một môi trường rất đặc thù đối với người trẻ. Hồi còn học cấp 3, ai cũng muốn lên đại học vì nghĩ rằng nó đồng nghĩa với tự do, học hành nhẹ nhàng, phụ huynh không quản thúc. Nhưng sự thực đôi khi thì ngược lại. Thành thử không ít sinh viên vừa bước vào cánh cửa đại học đã phải đón nhận hết cú sốc này đến cú sốc khác.

1. "Học đại học nhàn lắm"

"Lên đại học học nhàn lắm", "lên đại học toàn vừa học vừa chơi"… ắt hẳn là những câu nói mà các bạn học sinh cấp 3 được nghe nhiều nhất trước khi bước chân vào cánh cổng đại học. Trên thực tế, đại học cũng nhàn, nhưng "nhàn" theo cách riêng của Đại học.

Chỉ nói riêng đến chuyện học tập thôi là đã vô vàn những khó khăn rồi, bởi học tập ở đại học và cấp 3 không hề giống nhau. Chẳng hạn, thay vì chỉ học những kiến thức trong sách giáo khoa như 12 năm trước đây, thì khi lên đại học, các bạn phải tự tìm tòi, nghiên cứu kiến thức ở cả thực tiễn. Có khi kiến thức nhận được từ thầy cô 1 nhưng lại phải vận dụng đến 10.

Không dùng lại ở đó, các bạn tân sinh viên còn được tiếp cận với những môn học mới lạ, khác biệt rất nhiều so với hồi cấp 3 như: Pháp luật đại cương, Triết học, Logic học, Toán cao cấp… Những môn học đó vô cùng khó và đòi hỏi tư duy thật tốt thay vì học thuộc lòng.

photo-4-1665027114604444848405.png

Chuyện sinh viên chạy deadline đến quên ăn quên ngủ cũng chẳng phải hiếm. Đại học luôn đề cao ý thức tự học là chủ yếu và điểm thi cũng phụ thuộc vào sự chăm chỉ hay "nhàn nhã" của sinh viên. Vì vậy đại học có "nhàn" hay không tùy thuộc vào mỗi sinh viên.

2. Nhớ gì hơn nỗi nhớ nhà?

Hầu hết đối với các sinh viên, đây là lần đầu tiên sống xa nhà trong một thời gian dài. Bởi thế, nỗi nhớ nhà luôn thường trực trong mỗi người. Bạn nhớ những người yêu thương; Bạn nhớ những bữa cơm gia đình ấm cúng; Bạn thèm được mọi người quan tâm, bảo ban, săn sóc...

Tuy nhiên, ngày nay, với công nghệ phát triển, khoảng cách cũng như được thu hẹp lại với các chức năng gọi video của vô vàn ứng dụng khác nhau... Sinh viên năm nhất hoàn toàn có thể liên lạc và nói chuyện, nhìn thấy hình ảnh người thân một cách rõ nét. Điều này như một niềm an ủi lớn đối với chính những người sống xa nhà.

3. Kết bạn thời đại học sao mà khó đến vậy sao?

Đại học là một xã hội thu nhỏ, nơi đây tụ họp những người đến từ mọi miền tổ quốc. Khác biệt về văn hóa, phong cách sống... khiến sinh viên năm nhất rất khó để có thể kết bạn nếu không phải là "tuýp" người hoạt bát. Để dễ dàng hòa nhập, bạn cần phải chủ động làm quen với mọi người.

photo-3-1665027110423532712848.png

Nói là vậy nhưng đây thực sự là thách thức lớn đối với nhiều sinh viên. Và giải pháp là làm quen với mọi người thông qua việc tham gia các CLB, làm việc nhóm… Điều này sẽ giúp mọi người nhanh chóng có nhiều mối quan hệ. Với những người hợp gu, cùng tần số, biết đâu họ sẽ trở thành những người bạn thân của bạn trong tương lai.

4. Ngủ quên trên chiến thắng

Thành thật mà nói, khi lên đại học sẽ không còn nhiều người quan tâm đến điểm số của bạn hồi thi đại học. Vậy nên, điểm số đạt được dù cao hay dù thấp, chúng ta đều sẽ trở về vạch xuất phát ban đầu trong hành trình nỗ lực của bản thân. Vậy nên, đừng ngủ quên trên chiến thắng, ngủ quên trên cái mác Thủ khoa, Á khoa, bởi nó sẽ không còn quá quan trọng khi lên đại học.

Không chỉ thế, có rất nhiều bạn khi nhận được tin đỗ đại học là bắt đầu rơi vào trạng thái xả hơi, rằng: "Mình đã cố gắng một thời gian quá dài rồi và đỗ đại học là một thành tựu to lớn". Thay vì tiếp tục nỗ lực, nhiều người lại mơ tưởng về quãng đời sinh viên màu hồng như: Có người yêu, đi làm thêm, đi chơi thật nhiều... Nhưng thực tế lại phũ phàng hơn rất nhiều, bởi những gì bạn mơ tưởng thì chỉ tồn tại trong giấc mơ thôi!

Nếu ngay từ năm thứ nhất, các bạn bỏ bê việc học hành và kết quả không tốt thì đây sẽ là gánh nặng cho điểm tổng kết của về sau. Vậy nên, bên cạnh niềm vui đỗ đại học, các tân sinh viên vẫn cần chuẩn bị nhiều hành trang cho mình.

5. Phải học cách tự lập và quản lý chi tiêu

Nhu cầu chi tiêu của mỗi người là khác nhau nên số tiền hàng tháng nhận được của từng người là khác nhau. Theo chia sẻ, có bạn sinh viên khi mới xuống đại học tiêu hết 7-8 triệu, thậm chí 10 triệu/tháng. Chính việc thiếu hụt những kiến thức liên quan đến kỹ năng quản lý chi tiêu khiến các bạn tân sinh viên tiêu tiền "mất kiểm soát" hay "vung tay quá trán", rồi cuối tháng lâm vào cảnh hết tiền và phải ghi nợ sang tháng sau hoặc xin tiền thêm từ bố mẹ.

photo-2-16650271072382016129564.png

Chi tiêu hợp lý không phải là một công việc dễ dàng, nó rất khó để bạn cân bằng cuộc sống với số tiền mà ba mẹ chu cấp mỗi tháng. Tuy nhiên, hãy cố gắng chi những thứ thật sự cần thiết, bạn phải học tính tự lập từ những ngày đầu tiên để cuộc sống sinh viên dễ dàng hơn.

6. Loay hoay tìm chỗ ở, bạn cùng phòng

Nhà ở cũng là một vấn đề muôn thuở của tân sinh viên. Một vài lựa chọn dành cho bạn chính là: ở ký túc xá, thuê trọ bên ngoài hoặc ở nhà họ hàng/ người quen.

Trong số đó, ở nhờ nhà họ hàng/ người quen thường được ít bạn sinh viên lựa chọn bởi nó tồn tại rất nhiều rắc rối, bất tiện. Còn với 2 phương án còn lại, các bạn phải xem xét kỹ lưỡng những yếu tố như: khoảng cách, mức giá thuê, cơ sở vật chất, bạn cùng phòng… trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nhiều người tìm thấy một nơi ưng ý, nhưng sau khi ở một thời gian lại phải rời đi bởi nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan.

Nhìn chung, sinh viên sẽ phải đối mặt với vấn đề nhà ở bất cứ lúc nào, do vậy nếu có thể, hãy huy động sự giúp đỡ của những người xung quanh để tìm cho mình một chỗ ở phù hợp và cố định.

7. Vô vàn những chiêu thức lừa đảo chực chờ tân sinh viên

Thực tế, đã có rất nhiều bạn sinh viên năm nhất nhẹ dạ cả tin, họ đã trao toàn bộ tài sản của mình cho một người mà bản thân không hề quen biết chỉ sau một vài lời nói. Ngoài xã hội có rất nhiều người vì lợi ích cá nhân mà sẵn sàng làm chuyện xấu. Và đối tượng mà họ nhắm đến là các sinh viên ngây thơ.

Do đó, tân sinh viên nên có thái độ cảnh giác, tinh thần phòng bị cao độ trước những đối tượng đáng nghi. Đặc biệt là đối với những đơn tuyển dụng, những lời mời mọc đậm chất lừa đảo như: việc nhẹ lương cao, nhân viên trong công ty luôn luôn vui vẻ hoà đồng, cơ quan thường xuyên tổ chức đi du lịch, không cần bằng cấp... Bởi ngoài kia có nhan nhản những chiêu thức lừa đảo và dụ dỗ đa cấp.

photo-1-1665027103503318127217.png

Nếu không may trở thành "con mồi" của những chiêu thức lừa đảo và dụ dỗ đa cấp, hãy chia sẻ ngay với bạn bè, người thân hoặc thậm chí giáo viên của bạn để được nghe tư vấn. Tránh trường hợp tiền mất, tật mang hay đi vào những con đường không chính chuyên, đúng với pháp luật nhé!

*Tổng hợp

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022