Trí tuệ nhân tạo đang phát triển và ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ giáo dục, y tế, công nghệ thông tin cho đến nghệ thuật. AI dần trở thành công cụ phục vụ đắc lực cho cuộc sống con người, sự phát triển kinh tế, xã hội tại nhiều quốc gia.
Ngành Trí tuệ nhân tạo đang được nhiều trường chú trọng đào tạo.
Cơ hội việc làm ngành Trí tuệ nhân tạo
Ngành Trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tại các công ty hàng đầu như Google, Amazon, Facebook,…. đều đầu tư rất nhiều kinh phí để phát triển lĩnh vực AI trong sản phẩm của riêng họ.
Tại Việt Nam, các tập đoàn lớn như Viettel, FPT, Vingroup, CMC… chú trọng và đầu tư xây dựng trung tâm AI, tập trung nguồn lực phát triển trong lĩnh vực này. Hứa hẹn trong tương lai sẽ cần đến số lượng lớn nguồn lực chất lượng.
Cử nhân ngành Trí tuệ nhân tạo có khả năng đảm nhiệm nhiều vị trí như: Chuyên gia phân tích dữ liệu, điều tra, khảo sát hay dự báo tại các tổ chức trong hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế, lập trình viên, kỹ sư dữ liệu, khoa học dữ liệu, chuyên viên quản lý dự án, giảng viên, nghiên cứu viên về AI và khoa học dữ liệu.
Theo khảo sát của TOPDEV, mức lương cho vị trí kỹ sư Trí tuệ nhân tạo hiện cán mốc 22.000 USD/năm, dẫn đầu mức lương của tất cả ngành học về Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính.
Một số trường tuyển sinh ngành Trí tuệ nhân tạo
Đại học Bách khoa Hà Nội - năm 2024, tuyển sinh ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (CT tiên tiến) theo 3 phương thức: xét tuyển tài năng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm bài thi Đánh giá tư duy.
Điểm chuẩn ngành học này tương đối cao, khi năm 2023 lấy mức điểm chuẩn lên đến 28,8 điểm (A00, A01).
Trường Đại học Phenikaa - năm nay, xét tuyển ngành Trí tuệ nhân tạo theo 4 phương thức: xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm học bạ, xét kết quả kì thi Đánh giá năng lực hoặc Đánh giá tư duy. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh dành cho ngành học này là 100 chỉ tiêu.
Năm học 2024 - 2025, mức học phí nhà trường quy định đối với ngành Trí tuệ nhân tạo rơi vào khoảng 35,2 triệu đồng/năm học.
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) công bố phương hướng tuyển sinh năm 2024 theo 4 phương thức: xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả thi Đánh giá năng lực và xét học bạ THPT.
Ngoài ra, trường dự kiến tuyển sinh 60 chỉ tiêu dành cho ngành Trí tuệ nhân tạo, xét tuyển theo 5 tổ hợp môn A00, A01, D01, D07, D90. Năm 2023, ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển của ngành học này là 25,01 điểm.
Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) dự kiến tuyển sinh 40 chỉ tiêu dành cho Trí tuệ nhân tạo, dựa trên 3 phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng ưu tiên, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm thi Đánh gia năng lực, xét các Chứng chỉ quốc tế uy tín.
Năm ngoái, ngành Trí tuệ nhân tạo của trường lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 27,8 điểm (A00, A01, D01, D07).
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tuyển sinh ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo theo 5 phương thức: xét tuyển thẳng và ưu tiên, xét học bạ THPT, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm thi Đánh giá năng lực, xét chứng chỉ quốc tế.
Năm 2023, ngành học này lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 26 điểm (A00, A01, D01, D90). Trong khi đó, năm 2022 cũng lấy mức điểm chuẩn và tổ hợp môn xét tuyển tương tự.
Tổng hợp