Nghị định 73 quy định mức lương và chế độ thưởng với công chức, viên chức và quân nhân, được Chính phủ ban hành cuối tháng 6/2024. Trong đó, tiền thưởng tính theo thành tích đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Quỹ thưởng bằng 10% tổng quỹ lương (không tính phụ cấp), phải chi trước 31/1 của năm sau. Đây là lần đầu tiên, công chức, viên chức có khoản này.

Đến nay, nhiều trường học ở Hà Nội và các địa phương đã chi trả xong. Ghi nhận của VnExpress, các trường thường chia thưởng theo ba mức: hoàn thành, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phổ biến từ 4 đến 7 triệu đồng mỗi người.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên Hà Nội nói bất ngờ vì không được nhận khoản này. Thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên, cho biết được cấp trên thông báo lý do là trường được xếp vào nhóm "tự chủ".

"Chúng tôi thiệt thòi quá", thầy Đường nói.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Nhinh, giáo viên trường Tiểu học Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, nói thất vọng và bất bình. 18 năm trong nghề, cô giáo sinh năm 1984 cho biết chưa từng nhận khoản thưởng nào lên tới vài triệu đồng. Cô và đồng nghiệp "khấp khởi mừng" khi biết có thưởng theo Nghị định 73, nhưng lại không được.

"Chúng tôi rất buồn. Người ta vẫn nói mười đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng, giờ các nơi khác có mà mình thì không. Việc này ảnh hưởng tới nhiệt huyết làm việc và cống hiến của chúng tôi", cô nói.

Thầy Đường, cô Nhinh và hơn 600 giáo viên đã viết tâm thư kiến nghị lãnh đạo thành phố xem xét việc này. Trên địa bàn Hà Nội hiện có 119 trường THPT thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo được xếp vào diện "tự chủ chi thường xuyên". Ngoài ra, 30 quận, huyện mỗi nơi có khoảng 3 - 9 trường từ mầm non đến THCS được chọn thí điểm "đặt hàng dịch vụ giáo dục". Ước tính, ít nhất khoảng 200 trường học bị ảnh hưởng.

Không chỉ giáo viên, lần lượt cuối tháng 9 và tháng 12/2024, huyện Phúc Thọ và Ba Vì đã gửi văn bản kiến nghị Sở Nội vụ, Sở Tài chính xem xét, đảm bảo quyền lợi cho thầy cô. Lý do là về bản chất, các trường được chọn để thí điểm tự chủ chi thường xuyên không phải do tăng nguồn thu, mà chỉ do thay đổi hình thức từ giao dự toán sang đặt hàng.

Theo đó, các trường vẫn là đơn vị sự nghiệp công lập được nhà nước đảm bảo ngân sách. Các trường này được "giao nhiệm vụ" thu học phí theo quy định của thành phố, số tiền này được trừ khi cấp trên phân bổ dự toán. Trường không được trực tiếp dùng nguồn thu từ học phí để trả lương cho giáo viên, vận hành các hoạt động như những đơn vị tự chủ tài chính.

436733372-360861336636794-6084-2984-4686-1736139864.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vh4jHG2HQvEIMA7NV_77eA

Giám thị hướng dẫn thí sinh làm thủ tục dự thi THPT ở Hà Nội, tháng 6/2024. Ảnh: Giang Huy

Ngày 6/1, trả lời VnExpress, bà Hoàng Thị Thu Phương, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, xác nhận thông tin. Việc này căn cứ theo quy định về tự chủ của Chính phủ và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Sở cũng nhận thấy đây là bất cập. Giám đốc Trần Thế Cương đã nêu ý kiến tại cuộc họp với lãnh đạo thành phố cuối tháng trước.

"Nếu các trường tự chủ đúng bản chất thì lại khác, nhưng giờ chỉ đang chuyển đổi hình thức từ cấp phát bình quân sang đặt hàng", bà Phương nói. "Chắc chắn Sở sẽ phối hợp với các bên liên quan và xin ý kiến cấp trên để có hướng xử lý, tránh để các trường bị thiệt thòi".

Trước Hà Nội, 1.800 giáo viên ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, cũng suýt mất thưởng theo nghị định 73 vì phòng Nội vụ của huyện cho rằng Nghị định có hiệu lực từ 1/7, trong khi việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên được thực hiện từ tháng 5/2024. Trong khi đó, giáo viên các trường THPT và ở các huyện khác của Vĩnh Long vẫn được nhận tiền.

Trước độ vênh trong thực hiện chính sách, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Ôn đã kiến nghị cấp trên xem xét và được Sở Tài chính đồng ý chi thưởng.

Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022