Theo Nghị quyết giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ban hành ngày 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) ban hành chậm 30 tháng so với yêu cầu của Thủ tướng. Việc thực nghiệm, đánh giá tác động đối với những nội dung đổi mới chưa được chú trọng, phạm vi hẹp, hiệu quả chưa cao.

Quy định về môn Lịch sử trong chương trình gây bức xúc trong nhân dân và các chuyên gia, nhà khoa học. Quốc hội đã phải thảo luận, hai lần ra nghị quyết về nội dung này vào năm 2015 và 2022. Nội dung kiến thức của một số môn học, bài học chưa thực sự được tinh giản, còn gây áp lực đối với học sinh.

Riêng với sách giáo khoa, cơ quan này chỉ ra một loạt bất cập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88/2014, là "chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, nhất là việc quản lý, cập nhật, phát triển nội dung giáo dục phổ thông; quản lý, điều tiết giá sách giáo khoa".

Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa sách giáo khoa chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở 18 cuốn sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6, Lịch sử lớp 11.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chính trong những tồn tại nêu trên, đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 88 về việc giao Bộ này tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Cơ quan này cũng yêu cầu xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Ngoài ra, việc cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Quy định về lựa chọn sách giáo khoa chưa chặt chẽ nên triển khai không thống nhất giữa các địa phương, tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh.

Giá bộ sách giáo khoa theo chương trình 2018 cao gấp 2 - 4 lần giá sách theo chương trình cũ (2006). Số đầu sách giáo khoa tăng, tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo dẫn đến tăng chi phí mua sách. Chi phí phát hành cao, chưa hợp lý với loại hình sách phát hành số lượng lớn, người học bắt buộc phải mua.

Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi quy định về đổi mới phương thức và nội dung thi, kiểm tra theo hướng đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh; thực nghiệm, phê duyệt sách giáo khoa; quy định lựa chọn sách giáo khoa theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, cơ sở giáo dục.

sgk-3229-1629097873-jpeg-8176-2831-2437-1695375107.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HPds_WPDe02jjcfCRmZ6iw

Sách giáo khoa lớp 2 được sử dụng trong năm học 2021-2022. Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Về mặt tích cực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng công phu, nghiêm túc, bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới.

Việc đổi mới phương pháp giáo dục giúp học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng. Phương thức thi chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực của người học; đo lường sự tiến bộ của học sinh và mức độ đáp ứng yêu cầu môn học.

Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu của chương trình mới, huy động được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ, uy tín, kinh nghiệm.

Chủ trương đổi mới chương trình giáo dục phổ thông bắt đầu từ năm 2013. Năm 2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết 88, nêu rõ ngoài chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ với kinh phí 16 triệu USD từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo không làm được việc.

Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ này, hồi năm 2019 cho biết ban đầu có hai phương án, giao Nhà xuất bản Giáo dục hoặc chọn một hãng tư vấn (nhà xuất bản) để làm sách. Cả hai đều không thực hiện được do vướng các quy định của pháp luật Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. Sau đó, Bộ báo cáo Thủ tướng về phương án tuyển chọn tác giả để tổ chức biên soạn nhưng cũng không xong vì hầu hết đã ký hợp đồng với các nhà xuất bản.

Năm 2020, lộ trình thay sách giáo khoa được thực hiện, đầu tiên ở lớp 1. Đến năm học này, việc thay sách ở cấp tiểu học đến lớp 4, cấp THCS đến lớp 8, cấp THPT đến lớp 11 và sẽ hoàn tất vào năm 2025.

Với 12 triệu học sinh, 9 khối lớp đã sử dụng sách giáo khoa và các tài liệu mới theo chương trình 2018, hàng trăm triệu bản sách đã được xuất bản.

Sơn Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022