Trong bảng xếp hạng 10 ngành học lấy điểm chuẩn cao nhất năm 2023, hai ngành Sư phạm Lịch sử (trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) và Lịch sử (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) lần lượt đứng thứ 5 và 6 với điểm chuẩn là 28,58 và 28,56. Thông tin này từng khiến nhiều người bất ngờ vì Lịch sử vốn không phải ngành học hot và thường bị nhiều người đánh giá là khô khan, khó học.

Được biết sở dĩ năm nay điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử cao như vậy là do chỉ tiêu xét tuyển giảm, dẫn tới tính cạnh tranh cao. Chẳng hạn trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 được giao 919 chỉ tiêu, giảm hơn 1.700 chỉ tiêu so với trường công bố. Trong đó, ngành Sư phạm Lịch sử bị cắt giảm hơn một nửa, chỉ còn tuyển 20 chỉ tiêu. Đây cũng là chỉ tiêu cho ngành Sư phạm Lịch sử tại các trường ĐH Giáo dục - ĐHQGHN, trường ĐH Đà Lạt.

Với mức điểm chuẩn cao chót vót như vậy, nhiều người cũng thắc mắc sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử sẽ có cơ hội việc làm ra sao, cũng như mức lương thế nào?

Ngành Lịch sử học những gì?

Lịch sử là ngành học cung cấp những kiến thức chuyên sâu về lịch sử nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng; trang bị cho người học những kỹ năng nghiên cứu, phân tích chuyên sâu về các vấn đề lịch sử: tiến trình lịch sử, khảo cổ, ý nghĩa của lịch sử đối với xã hội hiện tại,... Cử nhân tốt nghiệp ngành học này có đủ kiến thức và kỹ năng làm việc trong các lĩnh vực có liên quan đến lịch sử, chính trị, văn hóa…

photo-1-1695294758924840684999.jpg

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2

Với ngành Sư phạm Lịch sử tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, sinh viên sẽ học được các môn như: Nhập môn Sử học và phương pháp luận Sử học; Cơ sở khảo cổ học; Lịch sử văn minh thế giới; Lịch sử Văn học Việt Nam; Lịch sử thế giới cổ - trung đại; Lịch sử cận đại - hiện đại; Biển đảo Việt Nam trong lịch sử, Lịch sử ngoại giao Việt Nam; Lịch sử Kinh tế đối ngoại Việt Nam;... Ngoài ra, sinh viên còn được học các môn liên quan đến kỹ năng sư phạm, dạy học.

Hiện tại, các trường đại học đang đào tạo các chuyên ngành Lịch sử có thể kể tới như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, trường ĐH Văn hóa TP.HCM, trường ĐH Sư phạm TP.HCM,...

Nhiều người nghĩ rằng, sinh viên tốt nghiệp ngành Lịch sử có ít cơ hội việc làm nhưng thực tế ngược lại. Trong một lần trao đổi với báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Đặng Hồng Sơn, Phó Trưởng khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN cho biết trong những năm gần đây, cơ hội việc làm của cử nhân ngành Lịch sử tại trường hết sức rộng mở.

Ngoài việc tham gia vào những vị trí việc làm truyền thống như giáo viên, giảng viên, nghiên cứu lịch sử, văn hóa, cán bộ trong các cơ quan tuyên giáo trung ương và địa phương, sinh viên sau khi tốt nghiệp đã có thể ứng tuyển vào những ví trí việc làm rất đa dạng, chẳng hạn: Biên tập viên, phóng viên, biên kịch, nhân viên truyền thông, nhân viên marketing, quản trị thương hiệu, quản trị nhân lực, chuyên gia tư vấn sáng tạo sản phẩm.

Cũng theo PGS Sơn, rất nhiều đơn vị tuyển dụng là các cơ quan đào tạo, nghiên cứu về Văn hóa - Lịch sử, nhà xuất bản, các tập đoàn kinh doanh đã liên hệ tuyển dụng sinh viên ngành Lịch sử ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường với vị trí việc làm và mức thu nhập hấp dẫn.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Lịch sử có thể nhận mức lương bao nhiêu?

Nếu đảm nhận công việc tại các cơ quan Nhà nước, bạn sẽ được hưởng lương theo mức quy định, nếu làm tại công ty tư nhân, lương phụ thuộc vào năng lực, vị trí công tác của bạn. Hiện một số nơi đăng tin tuyển dụng Chuyên viên Lịch sử (1 năm kinh nghiệm) với mức lương 8 - 12 triệu đồng; Cán bộ nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa lương 10 - 15 triệu đồng,...

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022