Từ chiều hôm qua, thông tin Hà Nội sẵn sàng chuyển sang học trực tuyến khi có học sinh nhiễm Covid-19 được lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều phụ huynh, học sinh và nhà trường bày tỏ lo ngại, bởi chỉ còn khoảng ba tháng nữa học sinh lớp 9 sẽ thi chuyển cấp, còn lớp 12 thi tốt nghiệp THPT.
"Thông tin này không đúng sự thật", ông Cương khẳng định, chiều 12/4.
Ông Cương cho rằng các hiệu trưởng, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cần thận trọng khi chia sẻ thông tin về dịch bệnh khi chưa có căn cứ từ cơ quan chuyên môn, tránh gây hiểu lầm và hoang mang. Công tác phòng chống dịch bệnh phải tuân thủ chỉ đạo của cơ quan quản lý và chuyên môn.
Học sinh trường Tiểu học Khương Thuợng, quận Đống Đa, Hà Nội, học trực tuyến hồi tháng 9/2021. Ảnh:Thanh Hằng
Bộ Y tế thống kê từ ngày 3 đến 9/4, cả nước ghi nhận 419 ca Covid-19, gấp bốn lần so với tuần trước đó. Hà Nội có số ca nhiễm cao và nặng nhất.
Tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) cho biết có 67 người mắc Covid-19 từ 31/3 đến 7/4, tăng 44 trường hợp so với tuần trước. Số bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện cũng tăng, chẳng hạn Bệnh viện Thanh Nhàn mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10-15 ca, phần lớn là người trẻ với triệu chứng ho, sốt, đau họng.
Do Covid-19, từ đầu năm 2020 đến 2022, hơn 2,2 triệu học sinh và trẻ mầm non Hà Nội đã nhiều lần chuyển từ học trực tiếp sang trực truyến. Trong đó, giai đoạn giữa năm 2021, học sinh thủ đô phải học trực tuyến tới 9 tháng. Hà Nội là địa phương cho học sinh ở nhà lâu và với quy mô lớn nhất cả nước thời điểm đó.
Thanh Hằng