Trong độ tuổi từ 3-5, trẻ sẽ phát triển tính cách vô cùng mạnh mẽ. Thời điểm này, phương pháp giáo dục của cha mẹ hoặc những người ở cùng trẻ sẽ có ảnh hưởng lớn tới cách hành xử của bé trong tương lai. Bởi vậy, mọi người vẫn thường nói rằng bố mẹ cần phải làm gương và chú ý môi trường sống cũng như những người mà bé giao tiếp trong thời kỳ này.
Mới đây, một người mẹ đã kể lại câu chuyện của bản thân và nhận được sự quan tâm của mọi người. Cụ thể, do công việc bận rộn nên gia đình chị không có đủ thời gian chăm sóc con, đành phải gửi nhờ nhà mẹ chồng trong khoảng thời gian 6 tháng. Lúc đó, anh chị nghĩ rằng cũng chỉ có nửa năm nên chắc sẽ không có vấn đề gì.
Ở với ông bà: Nuông chiều bất chấp
Tuy nhiên, sau 6 tháng, khi con trai trở về, chị thấy con đã thay đổi tính cách hoàn toàn. Từ một đứa trẻ không thích ăn đồ ngọt, cậu bé luôn lục lọi, tìm kiếm kẹo, bánh trong nhà, nếu không thấy sẽ gào lên ăn vạ rất khủng khiếp. Bé tỏ ra không thích đồ ăn mẹ nấu, thay vào đó là đòi mẹ mua đồ ăn nhanh hoặc những món đắt tiền trên mạng. Dĩ nhiên, nếu không được đáp ứng, bé lại sử dụng chiêu khóc.
Không chỉ thế, cậu bé nghiện tivi, iPad đến mức muốn xem gần như cả ngày, bố mẹ nhắc nhở thì cậu bé gào lên, ném đồ đạc, thậm chí khi bị mắng còn phản kháng và đánh lại. Lúc này, bố mẹ nói chuyện với ông bà thì mới biết do thương cháu nên ông bà nuông chiều bất chấp, cháu thích gì cũng làm theo. Chỉ cần cháu khóc chút, ông bà sẽ gật đầu ngay. Lâu dần, tính cách không biết tôn trọng người lớn nảy sinh, cậu bé chỉ biết thỏa mãn cái tôi của bản thân mình.
Ảnh minh họa
Không chỉ vậy, cậu bé không được vận động, ăn nhiều đồ dầu mỡ, chiên rán nên người dư mỡ, dễ đau ốm. Khả năng giao tiếp cũng bị hạn chế vì làm bạn với thiết bị điện tử, cách nói chuyện thì trống không, không biết vâng, dạ, thưa gửi.
Điều này khiến bố mẹ vô cùng đau lòng, không ngờ chỉ sau một khoảng thời gian ngắn mà con đã thay đổi nhanh như thế. Khi đang trong lúc tuyệt vọng chưa tìm ra giải pháp thì người dì ngỏ ý có thể phụ giúp anh chị trong khoảng nửa năm. Gia đình bà mẹ trẻ nghĩ chắc chắn dì còn trẻ, tuy ít kinh nghiệm nhưng tư duy mới mẻ, chắc chắn không để con ham chơi. Sau đó cậu bé đã được chuyển đến nhà dì.
Ở với dì: Việc gì cũng đến tay
Trái lại khoảng thời gian ở với ông bà, người dì có phần nghiêm khắc hơn. Cô phân chia công việc trong gia đình và buộc cậu bé phải làm những việc phù hợp như gấp quần áo, dọn dẹp đồ chơi, lấy bát đũa trước giờ ăn cơm...
Ban đầu, cậu bé không chịu, nằng nặc nằm ra ăn vạ khóc nhưng người dì rất cương quyết, nếu không làm sẽ không được ăn cơm. Không còn cách nào khác, cậu bé đành nghe và làm theo.
Ảnh minh họa
Cứ thế nửa năm trôi qua, đón con trai về mà người mẹ không khỏi giật mình. Từ một cậu bé thích ăn vạ, mè nheo, con trai anh chị giờ đây đã rất độc lập, tự giác làm mọi việc mà không cần phải nhắc nhở. Bé thích đọc sách, hát hò, chơi các trò chơi mới chứ không nghiện điện thoại như trước. Ngoài ra, cậu bé cũng bị gầy đi do nếu không ăn thì dì sẽ cho nhịn luôn.
Có vẻ như cách nuôi dạy của dì đã tạo nên một em bé tự lập. Tuy nhiên, ông bố bà mẹ này cũng nhận ra con mình dường như không còn vui vẻ, đáng yêu, mà thay vào đó là nét mặt trầm buồn, chán nản. Thì ra, trong khoảng thời gian ở với dì, đúng là cậu bé đã bỏ được thói quen xấu, biết thêm những điều hay lẽ phải trong cuộc sống... nhưng con lại thiếu tình yêu thương từ bố mẹ.
Thay đổi: Bố mẹ đón con về
Cuối cùng, hai vợ chồng quyết định sẽ đón con trai về nhà và tự tay mình chăm sóc. Không quá nuông chiều con như ông bà nhưng cũng không quá hà khắc trong cách dạy dỗ, anh chị khéo léo dành cho con tình yêu thương mà suốt hơn 1 năm qua bé đã không có cơ hội được hưởng. Thời gian trôi qua, con trai chị thay đổi rõ ràng, cậu bé tự lập nhưng cũng luôn vui vẻ, hạnh phúc và mỉm cười mỗi ngày. Ông bố, bà mẹ trẻ nhận ra, bố mẹ mới chính là điều tuyệt nhất mà các con cần trong cuộc sống, chứ không phải là tiền bạc hay đồ chơi.
Điều con cần nhất chính là tình yêu thương của bố mẹ (Ảnh minh họa)
Kết lại
Trong quá trình nuôi dạy con cái, cha mẹ luôn đảm nhận trách nhiệm cao nhất, tuy nhiên một số gia đình do nhiều nguyên nhân mà nhiệm vụ chăm sóc con có thể được giao cho bà nội, ngoại hoặc bảo mẫu, giúp việc. Vậy, bố mẹ, ông bà hay họ hàng, ai là người có thể tác động giúp đứa trẻ có chỉ số IQ cao hơn khi trưởng thành? Đối với vấn đề này, Đại học Harvard và Đại học Yale của Hoa Kỳ đã tiến hành nghiên cứu suốt nhiều năm.
Kết quả khảo sát cuối cùng cho thấy những đứa trẻ được cha mẹ quan tâm nuôi dạy thường có chỉ số thông minh cao hơn. Chỉ số IQ cao thể hiện ở khả năng diễn đạt, tính độc lập và khả năng học hỏi của trẻ. Hơn nữa, ảnh hưởng của người cha, người mẹ đối với con cái rất sâu rộng và lâu dài, do đó, những đứa trẻ được chính tay bố mẹ nuôi dưỡng có thể hòa nhập xã hội tốt hơn khi lớn lên.