Tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh ngày 12/7, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Thức cho hay tỉnh này có hơn 2.580 giáo viên ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh.
Theo khảo sát năm 2017, số giáo viên đạt chuẩn trình độ, năng lực ngoại ngữ là 90% với cấp tiểu học, 70% ở THCS và 30% ở cấp THPT. Đến năm 2019, số giáo viên đạt yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ chiếm 44,8% tổng số.
Ngoài ra, điểm trung bình môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT các năm của Thanh Hóa cũng thấp. Năm 2021, điểm trung bình tiếng Anh của học sinh Thanh Hóa là 4,51, trong khi trung bình cả nước là 5,84, đứng thứ 47/63 tỉnh thành. Đầu năm học vừa rồi, tỉnh khảo sát học sinh lớp 12, điểm trung bình tiếng Anh chỉ đạt 5,58/10 điểm.
"Nhìn chung chất lượng dạy và học ngoại ngữ tỉnh Thanh Hóa còn thấp so với yêu cầu và bình quân chung của cả nước", ông Thức nói, nhìn nhận việc này đã tạo điểm nóng trong dư luận xã hội.
Ông Trần Văn Thức tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hoá ngày 12/7. Ảnh: Lê Hoàng
Người đứng đầu Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa nhận định nguyên nhân đến từ cả người học và chất lượng giáo viên, điều kiện dạy học. Ông Thức nói hầu hết người dạy, người học nhìn nhận ngoại ngữ là một môn kiến thức, không phải môn học ngôn ngữ cần quá trình thực hành, tập luyện. Việc dạy và học ngoại ngữ vẫn tập trung để thi cử mà ít quan tâm đến việc sử dụng để giao tiếp, làm việc. Ở một các vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, nhận thức của người dân về học ngoại ngữ còn nhiều hạn chế.
Đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, theo ông Thức. Ông đánh giá khả năng nghe nói, giao tiếp của giáo viên trong quá trình giảng dạy không hiệu quả, nhiều người còn yếu về phương pháp. Trang thiết bị để dạy ngoại ngữ như máy chiếu, video, phòng thực hành tiếng còn thiếu.
Ông Thức nhận trách nhiệm của ngành về thực trạng này, cho rằng chưa làm tốt việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên. Để khắc phục, ông Thức cho hay sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh về tầm quan trọng của ngoại ngữ, "coi ngoại ngữ là công cụ, là chìa khóa dẫn đến thành công". Ngành cũng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh, tuyển mới cho những nơi còn thiếu.
Ngoài ra, Sở chỉ đạo các trường đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và duy trì môi trường tự học ngoại ngữ, tổ chức các cuộc giao lưu, thi tiếng Anh; khảo sát đánh giá chuẩn đầu ra theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam.
Lê Hoàng