Sau 17 ngày sang Nga làm nhiệm vụ phiên dịch, hỗ trợ đoàn Việt Nam tại lễ Duyệt binh Chiến thắng, Trung tá, TS Lê Đức Tiệp, 41 tuổi, quê Ninh Bình, đã trở lại giảng dạy tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Thầy là Phó chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật điện, Viện Tên lửa và Kỹ thuật điều khiển, từng 10 năm học đại học và làm nghiên cứu sinh tại Nga.
"Chuyến trở lại Nga vừa rồi để lại cho tôi nhiều cảm xúc, tự hào khi được cùng đoàn Việt Nam tham gia một sự kiện ý nghĩa, và thật bất ngờ khi mình được nhiều người biết đến", thầy Tiệp nói.
Trước đó, hình ảnh thầy Tiệp nhảy cùng một quân nhân Trung Quốc được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội hai nước. Dưới mỗi bài đăng có hàng chục nghìn người tương tác, chia sẻ. Nhiều bình luận khen chiến sĩ Việt Nam "đa tài", "nhảy đẹp", "ngoại giao tuyệt vời".

Toàn bộ phần giao lưu của Trung tá Tiệp với chiến sĩ Trung Quốc hôm 7/5 tại Nga. Video: Nhân vật cung cấp
Thầy Tiệp cho biết đoạn video đó được quay vào ngày 7/5, buổi giao lưu thứ hai do quân đội Nga tổ chức, cùng quân đội Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Myanmar. Thông thường, các buổi giao lưu chỉ có tiết mục của phía Nga. Nhưng hôm đó, đoàn Trung Quốc đăng ký một tiết mục.
Sau khi trình diễn xong, một chiến sĩ nước bạn muốn mời các chiến sĩ nước khác lên khuấy động không khí bằng dancesport. Đúng đam mê của mình, thầy Tiệp quyết định lên sân khấu giao lưu. Thầy trình diễn điệu nhảy cha cha cha với phần dàn dựng ngẫu hứng dựa trên những kỹ thuật cơ bản và nâng cao.
Tối đó, về phòng, thầy Tiệp ngủ nghỉ như bình thường. 5h sáng hôm sau mở điện thoại ra, thầy bất ngờ nhận hàng loạt tin nhắn từ người thân, bạn bè.
"Khi đó, tôi mới biết phần giao lưu được chia sẻ rất nhiều", thầy Tiệp nói.

Trung tá, TS Lê Đức Tiệp khi cùng đoàn Việt Nam sang Nga dự lễ Duyệt binh Chiến thắng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thầy Tiệp kể từng học đại học ở Nga từ năm 2004. Khi đó, thầy khá rụt rè, ngại giao tiếp. Ở ký túc xá chủ yếu là sinh viên Việt Nam, thầy cũng chỉ trò chuyện bằng tiếng Việt. Vì vậy, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Nga hạn chế.
Đến năm thứ ba đại học, tìm hiểu thấy nhiều lợi ích từ bộ môn dancesport, thầy quyết định đăng ký câu lạc bộ ở trường. Thời điểm đó, học phí khoảng một triệu đồng một tháng. Sau một thời gian, thấy yêu thích, thầy đăng ký thêm một số lớp nâng cao.
"Rất may, giám đốc câu lạc bộ rất quý, vì hiếm sinh viên quốc tế theo học nên thầy cho phép học miễn phí", thầy Tiệp kể.
Nhờ biết dancesport, thầy Tiệp tham gia nhiều sự kiện giao lưu văn hóa, văn nghệ dành cho sinh viên ở Nga, từ đó hòa nhập hơn, khả năng giao tiếp tiếng Nga và sự hiểu biết về văn hóa đất nước này cũng tăng lên.
Thầy còn nhớ một lần tham gia dạ hội, mọi người đều mặc trang phục lộng lẫy, tái hiện hình ảnh hoàng đế, nữ hoàng, người lính trong lịch sử. Thầy không biết văn hóa đó nên mặc một chiếc áo phông, khiến nhiều người chú ý.
Để xóa bỏ khoảng cách, thầy chủ động nhảy và mời các bạn nữ giao lưu. Mọi người xung quanh thấy vậy nên hòa nhịp chung, tất cả trở nên cởi mở và vui vẻ.
"Dancesport đã giúp tôi có thêm rất nhiều người bạn Nga từ buổi hôm đó", thầy Tiệp nói. "Bộ môn này giúp tôi tự tin hơn rất nhiểu, sẵn sàng chia sẻ và thuyết trình trước đám đông, điều tiết cách sống, cách tiếp cận, giao lưu với người Nga".
Ngoài tham gia biểu diễn, thầy Tiệp từng thi đấu các giải dancesport ở Nga và giành huy chương bạc cấp thành phố Tomsk, cấp toàn vùng Sibiri ở nội dung Latin.

Thầy Tiệp và vợ - từng là học trò dancesport của mình, nhảy Salsa trong một sự kiện cuối năm 2024. Video: Nhân vật cung cấp
Thầy Tiệp trở về Việt Nam năm 2011. Thay vì mời huấn luyện viên về dạy với chi phí khá đắt đỏ, thầy xem nhiều video thi đấu, biểu diễn và giảng dạy của các "dancer" nổi tiếng thế giới, sau đó tự rèn luyện và sáng tạo theo cách của mình.
Thời điểm đó, dancesport chưa phổ biến ở Việt Nam như hiện nay, thầy Tiệp muốn truyền bá bằng cách mở các lớp khiêu vũ miễn phí, mở câu lạc bộ ở khoa. Không chỉ sinh viên Học viện Kỹ thuật quân sự mà các trường lân cận như Đại học Quốc gia Hà Nội, Sư phạm Hà Nội cũng tìm đến.
Năm 2014, thầy Tiệp trở lại Nga làm nghiên cứu sinh. Về nước sau đó 4 năm sau, thầy không tổ chức lớp nữa nhưng vẫn nhận hỗ trợ tập luyện cho các giảng viên, cán bộ yêu thích môn này, đồng thời tham gia biểu diễn ở các sự kiện của khoa, trường hay đơn vị.
"Dancesport giúp tôi có thêm nhiều trải nghiệm đáng nhớ và luôn trong trạng thái thoải mái, khỏe khoắn. Nó còn giúp khơi dậy sự sáng tạo", thầy Tiệp nói.
Hiện, giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự vẫn duy trì 1-2 buổi tập dancesport một tuần. Thầy muốn thời gian tới cùng vợ tập luyện cho con và mở lớp cho sinh viên.
"Nếu không phải quân nhân, có lẽ tôi đã tiếp tục học tập nâng cao và thi đấu dancesport chuyên nghiệp", thầy Tiệp nói.
Dương Tâm