Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nêu ý kiến này tại Hội nghị Hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp năm học 2024-2025, hôm 16/4.

Theo ông, các trường giải thích rằng khoản này nhằm đảm bảo sự ổn định, tránh việc phụ huynh nộp, rút hồ sơ, gây xáo trộn. Tuy nhiên, ông không đồng ý.

"Không nên thu phí giữ chỗ, bởi làm vậy thì mất đi tính mô phạm, nhân văn trong nhà trường", ông Cương nói. "Tất nhiên, khoản này là thỏa thuận dân sự giữa phụ huynh với trường, nhưng xét khía cạnh giáo dục là không hay. Đề nghị các trường rút kinh nghiệm".

Ngoài ra, các trường phải tạo điều kiện tối đa cho học sinh. Ông Cương ví dụ, nếu có học sinh đã nộp hồ sơ ở trường tư, nhưng sau đó trúng tuyển trường công thì trường nên cho rút hồ sơ để chuyển.

Cuối tháng trước, Sở đã yêu cầu trường học không thu tiền giữ chỗ. Cơ quan này cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

Ông Cương cảnh báo sẽ trình UBND thành phố đề nghị giải tán trường nếu phát hiện những sai phạm nghiêm trọng, làm mất văn hóa, sự nhân văn trong môi trường giáo dục.

618aea25d3c3079d5ed2-jpeg-3446-3718-9583-1713338440.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4Wonz0RLxWZ5z6_3iFZ_jg

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương. Ảnh:Thanh Hằng

Hà Nội có gần 600 trường tư thục, từ mầm non tới THPT. Các trường này thường tuyển sinh bằng cách xét học bạ hoặc tổ chức thi riêng.

Ngoài học phí và các khoản thu dự kiến về đồng phục, cơ sở vật chất, dịch vụ bán trú, xe đưa đón, nhiều trường yêu cầu phụ huynh nộp thêm phí ghi danh, phí nhập học nếu trúng tuyển. Mức này thường từ 1,5 triệu đồng trở lên, nhiều trường thu 10-20 triệu đồng. Nếu học sinh nhập học, trường sẽ khấu trừ khoản này vào các chi phí. Còn nếu bỏ, tùy trường, phụ huynh có thể nhận lại hoặc không.

Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022