Công ty cần vốn để xoay vòng, Phong lâm cảnh nợ nần nhưng giấu vợ con. Những buổi họp kéo dài 5-6 giờ, những cuộc gọi đến của đối tác dầy căng thẳng, Phong dần trở nên u uất. Anh không thể chia sẻ sự ức chế tâm lý với ai. Áp lực là một người thành công, chỗ dựa vững chắc cho gia đình khiến anh che giấu cảm xúc của mình.

"Tôi có chia sẻ thì mọi chuyện vẫn không thể giải quyết, ngược lại tôi sẽ bị đánh giá là yếu đuối", Phong cho biết, nói thêm anh tự tìm cách giải tỏa bằng viết sách thực hành, trải nghiệm tự vẽ tranh. Anh hoàn toàn tập trung vào công việc, từ đó lấy lại cảm giác thư thái, cân bằng hơn. Song, Phong nhận ra mình ngủ ngày càng ít, có những ngày chỉ chợp mắt hai tiếng, cơ thể kiệt sức, đau lưng, đau đầu.

Não của người đàn ông gặp vấn đề về xử lý thông tin, gần như mất khả năng đưa ra lựa chọn hay quyết định. Công ty trên bờ vực phá sản. Phong sa vào rượu bia, dần sống thu mình, ít giao tiếp, thi thoảng nói nhảm. Đến khi không thể âm thầm chịu đựng, anh vào viện, bác sĩ chẩn đoán trầm cảm do quá áp lực.

Còn Mạnh Hùng, 35 tuổi, bị áp lực bởi mâu thuẫn với người "đầu ấp tay gối" kể từ khi con trai chào đời. "Mỗi ngày trôi qua đều nghẹt thở", anh nói, cho biết thiếu ngủ, những lời phàn nàn của vợ tăng lên khiến căng thẳng càng dâng cao. Ngoài ra anh còn gặp khó khăn trong công việc, không lối thoát, từng có ý định ly hôn, tự tử. Vào viện, bác sĩ chẩn đoán anh Hùng bị trầm cảm sau sinh con, phải điều trị tâm lý.

gettyimages-964029066-e1586273-1617-5308-1714355939.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yqgxs45q5maauyllyTsgAw

Nam giới đối mặt với nhiều áp lực từ gia đình và công việc dễ dẫn đến trầm cảm. Ảnh: Global News

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, nhìn nhận bệnh trầm cảm đang ngày càng tăng và được xem là bệnh của phái yếu. Tuy nhiên, ngày nay căn bệnh này cũng xuất hiện phổ biến ở nam giới bởi nhiều áp lực trong cuộc sống.

Thực tế, đàn ông cũng như nữ giới, đều có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng sức khỏe tâm thần. Theo Brightside, hơn 30% đàn ông bị trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong đời, khoảng 9% trải qua cảm giác chán nản hoặc lo lắng hàng ngày. Để giải quyết vấn đề, đa số chọn cách im lặng chịu đựng mà không đến viện điều trị, cho đến khi bệnh nặng.

Một nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội mới đây ghi nhận 25% số nam giới được hỏi cho biết gặp áp lực trong cuộc sống. Trong đó, hơn 80% bị áp lực kinh tế, gần 70% chịu áp lực sự nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và tinh thần.

Theo bác sĩ Thu, một số nguyên nhân chính dẫn đến việc này là áp lực xã hội và không biết cách thể hiện bản thân. Cụm từ phổ biến "man up!" (hãy đàn ông lên!) vô hình chung tạo thành áp lực xã hội, làm sai lệch nhận thức về nam tính. Trong khi phụ nữ có thể bộc lộ nỗi đau một cách cởi mở, đàn ông có xu hướng che giấu nỗi đau và tỏ ra nghiêm khắc. Áp lực này có thể khiến nam giới trở nên dễ bị tổn thương, vì điều đó được coi là điều cấm kỵ. Kết quả là sức khỏe tinh thần của nam giới có thể bị ảnh hưởng.

Thực tế, bệnh trầm cảm ở đàn ông có thể bắt nguồn từ việc họ được kỳ vọng quá nhiều. Phái mạnh buộc phải làm được nhiều thứ trong xã hội. Bên cạnh đó, họ có thể gặp các vấn đề tiêu cực xảy ra trong cuộc sống như mất việc, ly hôn, mất người thân... gây ra nỗi đau tinh thần khó vượt qua.

"Trong những thời điểm khó khăn nhất, họ vẫn phải cố gắng vượt qua, trở thành chỗ dựa cho những người khác và điều này trở thành gánh nặng với họ", bác sĩ Thu cho hay. Một số người có hành động tự hủy hoại bản thân, gây ra nhiều hệ quả như rối loạn sinh dục, nặng hơn nữa là đẩy mình đến bờ vực suy sụp tinh thần, tự tử mà không hề nhận ra.

Bệnh trầm cảm ở đàn ông có những dấu hiệu như cảm giác mệt mỏi, hoạt động chậm chạp, rối loạn giấc ngủ, phổ biến là ngủ quá nhiều hoặc quá ít, mất ngủ hoặc thức dậy rất sớm. Một số bệnh nhân có thể ngủ đến 12 giờ một ngày nhưng vẫn cảm thấy kiệt sức. Bệnh cũng làm thay đổi mức độ serotonin và norepinephrine - chất truyền tin não chi phối nỗi đau và tâm trạng, tạo ra các triệu chứng thể chất như đau bụng hoặc đau lưng, đau đầu. Họ mất tập trung, dễ cáu giận, dễ phản ứng mạnh với những chuyện bình thường do luôn cảm thấy khó chịu và suy nghĩ tiêu cực.

Một số triệu chứng khác bao gồm thèm ăn hoặc chán ăn, thay đổi cân nặng, không còn niềm vui, có cảm giác tội lỗi hoặc trống rỗng, tránh tiếp xúc xã hội. Họ cờ bạc, rượu chè, quan hệ tình dục không an toàn hoặc các hành vi nguy hiểm khác để cải thiện tâm trạng, từ đó ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần.

Các chuyên gia khuyên tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm các triệu chứng trầm cảm và ngăn ngừa tái phát. Bạn có thể tìm người bạn tập cùng, không chỉ tăng khả năng giao tiếp xã hội mà còn thêm động lực tập luyện. Bên cạnh đó, nên ăn uống lành mạnh, bổ sung thực phẩm cải thiện tâm trạng như chuối chứa magie giúp giảm lo âu, vitamin B6 thúc đẩy sự tỉnh táo, tryptophan tăng mức serotonin cải thiện tâm trạng, rau bó xôi chứa magie có thể cải thiện giấc ngủ.

Khi có các dấu hiệu như tự cô lập bản thân, lao vào bài bạc, thường xuyên khó chịu, tức giận và không kiểm soát được con giận dữ, giảm năng suất làm việc, thay đổi trong các mối quan hệ thân thiết... nhiều khả năng người đàn ông đang lâm vào tình trạng trầm cảm. Khi đó, cần đến bác sĩ để được hỗ trợ và điều trị kịp .

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022