Em út có thể học được rất nhiều điều từ anh chị của mình, bao gồm cách ứng xử, kỹ năng xã hội, và thậm chí là học hỏi qua việc quan sát các hành vi. Anh chị cũng có thể trở thành nguồn động viên, hỗ trợ tinh thần và giúp đỡ em út trong việc giải quyết các vấn đề. Trong gia đình, mối quan hệ giữa các anh chị em cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát triển cá nhân của trẻ.

Em út sẽ học được những gì từ anh, chị của mình, biết điều này ba mẹ có nhiều con yên tâm hẳn!

1. Có anh/ chị là tấm gương

Phải thừa nhận rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể khác biệt nên việc tính cách của chúng không giống nhau cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, phần lớn con út thường cá tính và nghịch ngợm hơn bởi chúng được học và bắt chước anh/ chị mình ngay từ khi chào đời. Với bé đầu hoặc với các bé con một, suốt những năm tháng đầu đời dường như chỉ có bố mẹ chăm sóc nên con chỉ học được cử chỉ, lời nói từ bố mẹ mà thôi.

Thế nhưng với những bé có anh/ chị thì các bé sẽ học và bắt chước rất nhanh, nhờ đó mà mọi sinh hoạt trong cuộc sống cũng diễn ra thuần thục, dễ dàng hơn mà không cần quá nhiều sự hướng dẫn từ bố mẹ. Nhà nào sinh con út cách xa con đầu khoảng 5-8 tuổi trở lên là các bé đã có thể tự chăm sóc em mình giúp bố mẹ rồi.

Có một thực tế là các con học từ bố mẹ sẽ không nhanh bằng từ anh chị và bạn bè. Bởi bố mẹ có xu hướng chiều chuộng, chăm sóc hơn, trong khi anh chị chúng sẽ đưa ra rất nhiều trải nghiệm hay ho và mới lạ. Thế nên không có gì là khó hiểu khi các bé út thường nhanh nhạy, hiếu động hơn.

2. Điều kiện gia đình tốt hơn

Không phải hoàn toàn nhưng nhiều gia đình quyết định sinh con thứ 2 khi kinh tế đã khá giả. Lúc này, con út có cơ hội được tiếp xúc với nhiều thứ tân tiến, hiện đại hơn, nhờ thế mà tâm lý, tính cách cũng có phần phát triển hơn.

Nhiều trường hợp khi mới sinh đứa đầu, nền tảng kinh tế của cha mẹ còn tương đối yếu, sự nghiệp của bố mẹ vẫn đang trong giai đoạn phát triển nên không cho phép con có thêm nhiều sự lựa chọn để phát triển hết khả năng, bao gồm cả việc ăn uống. Sau khi đứa con thứ hai ra đời, sự nghiệp của bố mẹ đã phát triển ổn định, tài chính kinh tế cho phép cha mẹ mang đến cho các con một cuộc sống chất lượng cao. Một số phụ huynh gửi con vào trường tư thục có điều kiện tốt hơn, cho con nhiều cơ hội tiếp nhận nền giáo dục chất lượng thì đương nhiên, con út khôn ngoan và thông minh hơn con đầu.

Một yếu tố không nhỏ khác ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ là việc bổ sung dinh dưỡng khi mang thai. Khi sinh con thứ hai, người mẹ đã có kinh nghiệm, đồng thời có hiểu biết nhất định về chế độ dinh dưỡng khi mang thai. Điều này cũng góp phần nâng cao sự phát triển trí tuệ của bé ở một mức độ nhất định.

Cuộc sống hiện đại kèm theo giáo dục được cập nhật liên tục. Chẳng hạn như trước đây con cái nói lên ý kiến của mình là hỗn thì bây giờ cha mẹ cho phép con có chính kiến. So với con đầu thì con út sẽ được nhận các khái niệm giáo dục tiên tiến hơn. Nhiều bậc cha mẹ cũng bắt kịp với tốc độ của các khái niệm giáo dục tiên tiến và cung cấp cho con cái của họ nhiều cơ hội giáo dục hơn.

photo-1-17099543016851886083423.jpg

Ảnh minh họa.

3. Bố mẹ có nhiều kinh nghiệm hơn

Khi sinh con đầu, cặp vợ chồng cũng là lần đầu tiên được trở thành bố mẹ, chính vì vậy việc vụng về và thiếu sót là khó tránh khỏi. Từ cách chăm sóc con, cho con bú, vỗ ợ hơi, mua đồ đạc... đều lóng ngóng và phải tham khảo ý kiến từ mọi người. Tuy nhiên, khi con đầu đã lớn, việc chăm sóc con thứ 2 sẽ trở nên dễ dàng hơn vì bố mẹ đã có nhiều kinh nghiệm hơn.

Cũng chính vì điều này mà bố mẹ biết làm thế nào để tốt nhất cho con, nên cho ăn gì, đi chơi ở đâu, học trường thế nào. Thậm chí nhiều phụ huynh nhận định sau khi nuôi con đầu thấy sai lầm thì vội vàng sửa chữa và áp dụng phương pháp giáo dục khác thì mới thành công. Nhờ đó, bé thứ 2 được bố mẹ dùng phương pháp mới tốt và hiện đại hơn nên việc thông minh, nhanh nhạy hơn cũng là điều dễ hiểu.

Sự khác biệt giữa con đầu và con thứ như vậy khiến nhiều bố mẹ có xu hướng so sánh, tại sao con đầu chăm chỉ, ngoan ngoãn mà bé út lại nghịch ngợm và hiếu động, hoặc sao đứa đầu "khù khờ" mà đứa thứ 2 lại thông minh, lanh lợi hơn. Thay vì so sánh, bố mẹ nên đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp với tính cách từng bé. Ví dụ bé đầu thích đọc sách, bé sau thích ca hát thì không thể ép buộc, đổi sở thích của các con cho nhau được.

Mỗi đứa trẻ đều có sự khác nhau về cơ địa, đặc điểm tâm sinh lý, khả năng nhận thức, khí chất, tính cách, năng lực và hoàn cảnh sống. Vì thế, mỗi trẻ đều có thế mạnh riêng mà cha mẹ cần phát hiện để tạo điều kiện cho con thể nghiệm, phát triển, mới là dạy con đúng cách. Đừng bao giờ áp đặt, bắt ép con mình phải giỏi giang giống như người khác, dù đó có là anh chị em trong gia đình.

Việc dạy dỗ phải xuất phát từ những gì con trẻ đang có, đang mong muốn chứ không phải từ sự so sánh với trẻ khác. Những khi con có thành công, dù nhỏ, cũng phải kịp thời khen ngợi, động viên để khuyến khích.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022