Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nêu ý kiến trên tại Lễ công bố quyết định tổ chức lại trường THPT Chu Văn An thành trường chuyên sáng 13/2.

Ông Cương đánh giá với bề dày hơn 100 năm cùng hàng trăm giải học sinh giỏi thành phố và quốc gia mỗi năm, việc chuyển thành trường chuyên sẽ giúp trường Chu Văn An phát huy tối đa tiềm năng, khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục Hà Nội và cả nước.

"Đây không chỉ là sự thay đổi về tên gọi, mà còn là một cam kết mạnh mẽ của thành phố với sự phát triển của giáo dục chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân tài cho đất nước và thủ đô", ông Cương nói.

8b3fc4dac1ba7fe426ab-173942924-8288-8720-1739429463.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=z62bdj1hokX7Xq25t_mTmw

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương tại sự kiện sáng 13/2. Ảnh: Ngọc Trang

Ông Cương cho biết hơn 20 năm qua, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có hệ THCS, song đã dừng tuyển sinh từ năm ngoái theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Qua tổng kết, Sở đánh giá mô hình này hoạt động tốt, tạo nguồn học sinh giỏi từ cấp học dưới cho trường chuyên. Những học sinh trưởng thành từ môi trường này có nhiều thành tích trong và ngoài nước. Vì vậy, việc thành lập trường THCS trong trường chuyên là mong muốn của ngành giáo dục Hà Nội.

"Tất nhiên việc này phải theo quy định và hướng dẫn của Luật Thủ đô sửa đổi, quy chế tổ chức trường chuyên của Bộ", ông Cương nói. "Nếu được sự đồng thuận của các thầy cô, Sở sẽ là nhịp cầu, cùng thầy cô và học sinh làm cái này".

Ngoài ra, ông Cương yêu cầu trường sớm ban hành định hướng tuyển sinh lớp 10 năm nay với môn tổ hợp - hai môn mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ông kỳ vọng cùng với THPT Sơn Tây chuyển thành trường chuyên, nâng tổng trường chuyên của Hà Nội lên 4, đông nhất cả nước, thành phố sẽ có thêm nhiều học sinh tham gia đội tuyển dự thi Olympic quốc tế hơn.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng trường THPT chuyên Chu Văn An, cho biết việc chuyển đổi đưa trường bước vào chặng đường mới với nhiều thử thách, đòi hỏi nhà trường phải cố gắng nhiều hơn.

"Mỗi giáo viên và học sinh của trường sẽ phải chuyên cần, chuyên tâm và chuyên nghiệp hơn, để xứng với truyền thống và sự tin tưởng của xã hội", bà nói.

9a80d96dc20d7c53251c-173942927-5316-5132-1739429463.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-oKV2s1H4YM-lyvDyXgpWg

Bà Nguyễn Thị Nhiếp (áo dài đỏ) cùng hai phó hiệu trưởng nhận quyết định bổ nhiệm chức vụ sau khi chuyển thành trường THPT chuyên Chu Văn An, sáng 13/2. Ảnh: Ngọc Trang

Trường THPT Chu Văn An được thành lập năm 1908 với tên gọi trường Trung học Bảo hộ, tới năm 1945 đổi thành Quốc lập Trung học hiệu Chu Văn An. Tới trước năm 1986, trường là nơi có lớp chuyên Toán duy nhất của Hà Nội. Từ 2010 đến nay, trường có trên 45 lớp mỗi năm, trong đó hai phần ba là lớp chuyên.

Tính riêng trong năm 2024, trường có hơn 300 giải học sinh cấp thành phố và quốc gia; một huy chương vàng Olympic quốc tế môn Sinh, một huy chương đồng Thiết kế đồ hoạt thế giới.

Tháng trước, UBND thành phố Hà Nội quyết định chuyển trường THPT Chu Văn An và Sơn Tây thành trường chuyên. Như vậy, Hà Nội có bốn trường THPT chuyên, gồm Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây, nhiều nhất cả nước. Các tỉnh, thành khác thường có một trường chuyên, số ít có hai như TP HCM, Quảng Nam, Đồng Tháp, Bình Định, Bình Phước, An Giang.

Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022