Giải thích lý do đưa ra đề xuất, trong dự thảo ngày 27/2, Bộ Tài chính nhận định hiện nay, học sinh, sinh viên mắc Covid-19 chỉ nghỉ học một thời gian ngắn, không cần thiết phải học trực tuyến như giai đoạn trước.
Chính sách cho học sinh, sinh viên khó khăn vay tiền mua máy tính bắt đầu từ tháng 4/2022 với mức cho vay tối đa 10 triệu đồng, trong 36 tháng, lãi suất 1,2% mỗi năm. Trong gần một năm triển khai, chương trình này đã hỗ trợ 80.000 học sinh, sinh viên với tổng số tiền gần 800 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội, tăng trưởng dư nợ thời gian gần đây của chương trình hỗ trợ đã chậm dần. Giai đoạn tháng 8-9/2022, dư nợ của chương trình tăng gần 72 tỷ đồng, riêng tháng 9 chỉ tăng 26 tỷ đồng, trong khi đây là thời gian bắt đầu năm học mới, cho thấy nhu cầu của học sinh, sinh viên không nhiều như trước.
Ngoài ra, qua rà soát nhu cầu vay vốn thực tế, 49/63 tỉnh, thành cho biết không còn nhu cầu; 45 địa phương đề xuất dừng chương trình vay vốn, do các em đã được trang bị thiết bị thông qua chương trình "Sóng và máy tính cho em".
Dựa trên những căn cứ này, Bộ Tài chính đánh giá việc bỏ chính sách cho học sinh, sinh viên vay tiền mua máy tính là hợp lý. Những trường hợp đã vay sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký.
Nguyễn Thị Có, lớp 8 (phải) và em ruột Nguyễn Thị Thuỳ Linh, lớp 6, sống ở Cần Thơ, cùng học online bằng một điện thoại của cha mẹ. Ảnh: Đức Duy
Trong hai năm 2020 và 2021, khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước đã trải qua nhiều giai đoạn học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Từ cuối tháng 9/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng trực tiếp chỉ đạo phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em", nhằm kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ thiết bị học tập, giảm cước truy cập Internet, giúp mọi học sinh ở vùng có dịch được học trực tuyến, qua truyền hình.
Đến giữa tháng 4/2022, học sinh, sinh viên cả nước đã quay trở lại học trực tiếp toàn bộ.
Thanh Hằng