Đề thi chỉ có một câu, thời gian làm bài 45 phút: Viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay.
Hôm qua, trên các diễn đàn học sinh, giáo dục TP HCM, đề Văn này thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác, bình luận. Phần lớn bình luận thể hiện sự hào hứng vì đề thi ngắn, trực diện, thời sự.
Hồng Anh, học sinh lớp 10 trường THPT Mạc Đĩnh Chi, cho hay lớp em không làm đề này nhưng thích thú với cách đặt vấn đề gần gũi, đời sống.
"Em bất ngờ vì đề rất ngắn, bắt trend thời sự, tưởng dễ nhưng không dễ", Hồng Anh nói.
Nữ sinh cho rằng đề yêu cầu khả năng lập luận vững, đưa ra dẫn chứng xúc tích, rõ ràng trong khi học sinh dễ sa đà vào kể lại những câu chuyện trên mạng xã hội. Nếu làm đề này, Hồng Anh sẽ giải thích biểu hiện phông bạt là gì, dẫn chứng từ những câu chuyện trong cứu trợ đợt bão Yagi, đồng thời phản biện để cho thấy đây không phải là lối sống của toàn bộ giới trẻ.
Trái ngược với sự hào hứng của học sinh, nhiều giáo viên cho rằng đây không phải là đề Văn hay, chưa đáp ứng được yêu cầu đánh giá toàn diện năng lực học sinh.
Theo thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng Ngữ văn, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên, bên cạnh làm văn, học sinh được được học về đọc hiểu, phân tích các thể loại văn bản. Đề đã thiếu phần này.
"Có thể vì thời gian 45 phút nên giáo viên chỉ cho kiểm tra phần viết, bỏ qua đọc hiểu. Nhưng xét riêng cách đặt vấn đề nghị luận cũng cho thấy sự thiếu đầu tư", thầy Minh nhận xét.
Thầy giáo này cho rằng "phông bạt" là từ lóng trên mạng xã hội, không phải học sinh nào cũng hiểu. Ngoài ra, cách đặt vấn đề tiêu cực thay vì hướng mở để học sinh có "đất" tư duy, phản biện.
Giáo viên Ngữ văn một trường THPT ở quận 1 đồng tình. Theo ông, đề thi bắt nhịp vấn đề thời sự, cuộc sống nhưng cách đặt vấn đề một chiều, thiếu câu chuyện dẫn dắt khiến từ "phông bạt" trở nên khiên cưỡng, khó hiểu. Trong khi cùng với chủ đề này giáo viên hoàn toàn có thể yêu cầu bàn bạc về nghĩa cử đùm bọc, giúp đỡ đồng bào trong khó khăn, đặt cạnh lối sống sống giả tạo của một số người. Như vậy, đề vừa có tính giáo dục tích cực vừa giúp học sinh thấy hai mặt vấn đề.
"Giáo viên ra đề hời hợt", ông đánh giá.
Phông bạt thường được hiểu là loại vải bạt dùng che chắn hoặc làm nền cho các buổi trình diễn, sự kiện. Gần đây, từ này thịnh hành trên mạng xã hội, dùng để chỉ lối sống giả tạo, che đậy sự thật không như ý bằng lớp vỏ hào nhoáng.
Học sinh lớp 10 trường THPT Mạc Đĩnh Chi trong một tiết học Ngữ văn, tháng 10. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Cô Trần Thị Bích Châu, Tổ trưởng Ngữ văn, trường THPT Mạc Đĩnh Chi, xác nhận đây là đề thi giữa kỳ của riêng lớp 10A25, vào ngày 29/10.
Cô cho biết đề đảm bảo nội dung chương trình Ngữ văn 10 của bộ sách Chân trời sáng tạo. Trước khi kiểm tra, học sinh đã được hướng dẫn, luyện tập cách nhận biết yêu cầu của đề, vận dụng thao tác lập luận, diễn đạt, trình bày rõ ràng và dẫn chứng phù hợp.
Các em cũng từng trao đổi, bàn bạc các vấn đề xã hội, trong đó có "lối sống phông bạt". Ngoài ra, học sinh lớp 10 học cách xây dựng quan điểm sống từ bộ môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp nên cô Châu cho rằng các em đủ kiến thức xã hội để làm bài.
Lệ Nguyễn