Gần 38.000 học sinh lớp 12 ở Đồng Nai hoàn thành bài kiểm tra cuối kỳ 2 môn Ngữ văn ngày 24/4 với đề thi chung từ Sở Giáo dục và Đào tạo.
Đề có hai phần đọc hiểu (4 điểm) và viết (6 điểm). Phần đọc hiểu sử dụng đoạn trích trong bài thơ Đất nước đàn bầu của tác giả Lưu Quang Vũ. Câu nghị luận văn học trong phần viết yêu cầu học sinh phân tích hình ảnh người bà trong đoạn thơ.
Dẫn câu nói của cựu chiến binh Quách Minh Sơn "Tự do, hòa bình không phải dễ. Có được bây giờ, cố mà giữ", học sinh được yêu cầu thể hiện suy nghĩ về giá trị hòa bình.

Đề kiểm tra cuối học kỳ 2 môn Ngữ văn lớp 12 của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai
Trên fanpage của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, đề thi nhận được hơn 2.000 lượt tương tác, bình luận. Tường Vy, học sinh lớp 12 trường THPT Ngô Quyền, cho biết khi nhận đề, em xúc động với câu nói của cựu chiến binh Quách Minh Sơn.
"Đề khơi gợi cảm xúc, gợi liên tưởng đến hàng loạt thông tin, hình ảnh cả nước hướng đến kỷ niệm dịp 30/4. Em rất hào hứng, viết liền một mạch", Vy nói.
Theo Vy, đề thi vừa sức, cấu trúc tương tự đề minh họa thi tốt nghiệp THPT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Vy gặp khó khi lý giải hình ảnh "đất nước đàn bầu" và "đất nước ban mai" trong đoạn thơ. Ở phần nghị luận xã hội, em lồng ghép hình ảnh trung tâm chăm sóc thương, bệnh binh - những người trở về sau cuộc chiến nhưng mang nhiều vết thương tâm lý và cơ thể.
"Hòa bình hôm nay đánh đổi bằng máu, mồ hôi công sức của biết bao thế hệ cha ông, giúp em trân quý và biết ơn với những gì mình có hôm nay", Vy chia sẻ.
Thu Hà, học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, cho biết đã dùng những chia sẻ của chị gái là sinh viên ngành Lịch sử của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM để nói về giá trị của hòa bình. Chị gái Hà từng nói với em rằng càng tìm hiểu và đào sâu vào lịch sử, những trận chiến khốc liệt, chị lại càng thấy hòa bình là vô giá.
Ngoài ra, em dẫn lại câu nói của một cựu chiến binh khi xem tập luyện diễu binh ở TP HCM vừa qua để phân tích trách nhiệm gìn giữ hòa bình của thế hệ trẻ: "Thế hế các chú được đeo huy chương chiến đấu nhưng mong sao thế hệ các cháu đừng bao giờ đeo huy chương chiến đấu, chỉ đeo huy chương bảo vệ thôi".
"Khi đọc đề, sự tự hào, xúc động khi được xem những hình ảnh, sự kiện kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước lại hiện về. Khi viết bài, em có phần nghẹn ngào", Hà kể.
Nữ sinh cho biết em và nhiều bạn cùng lớp tiếc nuối vì thời gian làm bài khá ngắn trong khi chủ đề có nhiều "đất" để học sinh thể hiện.
Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Ngữ văn trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM, đánh giá đề thi chọn chủ đề về giá trị hòa bình rất thời sự và dễ khơi gợi cảm xúc học sinh. Đề không có câu hỏi đánh đố, độ khó phù hợp với tính chất kiểm tra cuối học kỳ 2.
Theo thầy, giá trị hòa bình không phải chủ đề mới nhưng trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước với hàng loạt sự kiện, hoạt động, học sinh sẽ có nhiều cảm xúc và dữ liệu để làm bài.
"Giáo viên chọn ngữ liệu phần đọc hiểu rất hay, tạo nên chủ đề chung và sự liền mạch cho đề thi", thầy Đức Anh nói.
Thầy ấn tượng với câu nghị luận xã hội có tính gợi mở, giáo dục cao, định hướng tư tưởng giúp học sinh trân quý giá trị của hòa bình, yêu quê hương đất nước, biết ơn thế hệ cha ông đi trước.
Tuy nhiên, theo thầy, thời lượng 90 phút có phần ngắn so với nội dung và các yêu cầu của đề kiểm tra. Phần nghị luận xã hội yêu cầu viết khoảng 500 chữ đòi hỏi học sinh phải xử lý gọn gàng, mạch lạc mới thể hiện được đầy đủ suy nghĩ, dẫn chứng, bàn luận.
Phụ trách tổ ra đề kiểm tra, cô Tăng Kim Huệ, chuyên viên môn Văn, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, cho biết các giáo viên muốn thông qua đề thi khơi gợi tình yêu nước, trách nhiệm của học sinh trong việc gìn giữ hòa bình.
Theo cô Huệ, chiến tranh đã đi qua 50 năm, khoảng cách thế hệ lớn dần, học sinh ngày nay ít tiếp xúc với thông tin cuộc chiến, ngoài những giờ học trong nhà trường. Nhìn ra thế giới, nhiều nơi vẫn đối mặt với chiến tranh, xung đột. Tổ ra đề mong muốn học sinh ý thức rằng hòa bình hôm nay không phải hiển nhiên và dễ dàng mà đã trải qua muôn vàn đấu tranh gian khổ.
Từ mong muốn này, tổ ra đề tìm ngữ liệu phù hợp để tạo sự kết nối, dẫn dắt từ câu đọc hiểu đến nội dung nghị luận trong phần viết văn, để đề thi mạch lạc.
"Tôi rất vui khi đề được học sinh, phụ huynh và các đồng nghiệp đón nhận. Lần đầu ra đề thi cuối kỳ lớp 12 theo chương trình mới nên các giáo viên cân nhắc để đề gần gũi, cho học sinh bày tỏ quan điểm, cảm xúc cá nhân", cô Huệ nói.

Học sinh Đồng Nai đón chiến sĩ từ các địa phương về tập luyện diễu binh kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, ngày 5/4. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai
Lệ Nguyễn